CLB quan họ cổ vào làm lễ tại nhà thờ làng Châm Khê.
Phải ra được cái chất quan họ
Tôi theo CLB quan họ cổ (cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội) của bà Nguyễn Thị Hẹn (nghệ danh Thanh Ngân) về Châm Khê nhân dịp làng vừa tổ chức khánh thành chùa mới. Được nghe hát quan họ, được gặp gỡ những người dân nơi đây mới thấy sức sống mãnh liệt của quan họ cổ.
Châm Khê (còn gọi là làng Bùi) thuộc xã Phong Khê, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, là một trong 49 làng quan họ cổ nổi tiếng vùng Kinh Bắc. Giờ về Châm Khê, giữa những nhà cửa san sát, những ngõ xóm nhỏ hẹp, giữa những xưởng sản xuất giấy ồn ào…, rất khó hình dung về một làng Việt cổ. Nhưng chỉ cần trò chuyện với những người dân nơi đây thì sẽ thấy, cái sự say mê quan họ dường như đã ngấm vào máu họ rồi.
Đến từ sáng sớm, nên tôi được xem các liền anh liền chị sửa soạn khăn xếp áo the, những áo mớ ba mớ bảy, những khăn mỏ quạ… Nghe họ xưng hô với nhau cũng đặc kiểu cách quan họ. Đến cả những bà gần 80 khi nói chuyện vẫn xưng em, có cái gì đó ngồ ngộ nhưng cũng thật khiêm nhường.
Trước khi vào canh hát, đoàn còn làm lễ tại đình và chùa Châm Khê. Lần đầu tiên tôi được nghe hát quan họ Phật giáo. Cũng là những làn điệu quan họ nhưng được chuyển lời kinh Phật, rất gần gũi và cũng thật trang nghiêm.
Cụ Nguyễn Thị Lương năm nay đã 80 tuổi, thuộc thế hệ những người hát quan họ lớn tuổi nhất trong làng. 15 tuổi cụ đã mê quan họ. Rồi tham gia đội hát tuồng cổ của làng, nhưng bố mẹ nhất định không cho đi chuyên nghiệp. Đến giờ cụ vẫn mê hát. Dạo này mùa đông, cụ đang bị bệnh hô hấp nên không tham gia hát được, nhưng có đoàn nào về cụ vẫn ra nghe, từ sáng cho đến chiều. Khi chuẩn bị cơi trầu để mời khách, mấy bác lại đem đến hỏi cụ bày thế này đã đúng kiểu chưa.
Cụ bảo, quan họ cổ có lề lối, quy cách rất chặt chẽ. Không phải ai mặc bộ quần áo quan họ, thuộc làn điệu là cũng thành liền anh, liền chị cả đâu, mà từ cách hát, nói năng, cư xử phải ra được cái chất quan họ. Quan họ lạ lắm, nó tình cảm, duyên dáng nhưng lại rất ý nhị, thầm kín.
Hàng trăm năm nay dân làng cụ vẫn hát quan họ cổ. Quan họ cổ khác biệt ở chỗ không bao giờ có nhạc bởi kỹ thuật hát đòi hỏi phải hát liên âm, phải vang, rền, nền, nẩy. Và hát được như thế là có đủ cả nhạc rồi.
Những người mê quan họ
Bà Nguyễn Thị Hẹn là một trong những người có công trong việc gìn giữ và phổ biến những giá trị truyền thống của quan họ cổ. Sinh ra ở làng Châm Khê, lấy chồng và lập nghiệp ở Hải Phòng, nhưng quan họ luôn là niềm đam mê của bà.
Năm 1997, bà được Viện Âm nhạc mời tới nghe và xác minh lời trong các băng quan họ được lưu trữ tại viện. Bà còn đi khắp các làng quan họ, tìm gặp các nghệ nhân để tìm hiểu về các làn điệu cổ. Đến nay bà đã tìm được gần 200 làn điệu cơ bản và hơn 100 cách chơi quan họ.
Năm 1999 bà còn thành lập Trung tâm UNESCO văn hóa quan họ, từ đó xây dựng và trực tiếp dạy hát cho nhiều CLB quan họ, trong đó có CLB văn hóa quan họ và CLB quan họ cổ Cung văn hóa Hữu Nghị Hà Nội. Lâu nay, mỗi tháng một lần, bà lại tổ chức hát quan họ tại một làng, để những người yêu quan họ cổ có được một sân chơi đích thực.
Hôm tôi về, may mắn trong làng lại có một canh hát nữa do các học trò của ông Nguyễn Công Lụt tổ chức. Tuy ông mới mất, nhưng theo nếp cũ, xuân thu nhị kỳ, học trò của ông từ Hà Nội vẫn về đây tổ chức các canh hát. Đến dự canh hát hôm ấy có cả các cụ đã ngoài 80 tuổi như cụ Nguyễn Thị Khai đã 86 tuổi, ông Nguyễn Công Dứa…đều là những người hát quan họ có tên tuổi trong làng.
Cụ Nguyễn Thị Khai (ngoài cùng) trong canh hát tại nhà ông Nguyễn Công Lụt.
Trong căn nhà nhỏ, quanh bàn nước, các cụ không ai mặc quần áo quan họ vì trời rét, nên các chị từ Hà Nội sang dù có mang theo phục trang quan họ cũng không dám mặc. Trong văn hóa quan họ, tôi nhận thấy luôn có sự kính trên nhường dưới, các cụ cao tuổi rất được kính trọng. Người trẻ luôn phải nhìn vào các cụ để hành xử sao cho đúng. Và riêng việc mời các cụ đến hát cũng không đơn giản, phải là người có uy tín thế nào mới được các cụ nhận lời.
Chị Nguyễn Thị Chính (Phúc Tân, Hà Nội) là một trong số những học trò của ông Lụt kể, chị theo học được 20 năm rồi. Tuần nào cũng từ Hà Nội sang Bắc Ninh để học hát. Vì đam mê nên chẳng thấy vất vả gì. Nay thầy mất, thì đến lượt các chị lại dìu dắt những lứa đàn em.
Quan họ cổ rất khó, bởi phải thuộc cả trăm bài, rồi lại phải biết lề lối, cung cách… mới có thể tham gia hát đối đáp được. Hát quan họ, chất giọng là một phần, còn quan trọng là phải có được cái hồn, có cái tình.
Ví dụ như, người ta từ xa đến, mình thấy được cái sự vất vả, khó nhọc của họ, lúc chào hỏi mình phải chọn bài nào bày tỏ được cái sự cảm thông… và khi tiễn khách, cũng lại phải hát bài nào bày tỏ tình cảm lưu luyến của mình với họ. Một canh hát có khi kéo dài từ sáng đến đêm, càng về khuya nghe càng phẳng lặng.
Học quan họ là học văn hóa ứng xử
Chị Chính bảo, quan họ dạy cho chị rất nhiều điều trong cuộc sống, đặc biệt trong văn hóa ứng xử. Học quan họ không chỉ là học hát mà còn học về ứng xử. Trước hết, đó là sự khiêm nhường, từ câu chào, câu đối đáp bao giờ cũng có sự nhún nhường.
Không phải học một vài bài là lên hát đối đáp được ngay đâu, người ta hát một bài thế này, mình phải biết chọn bài nào cho hợp tình hợp cảnh để đối lại. Càng học càng thấy mê, mê nhất là cái văn hóa quan họ. Nó sâu sắc mà tế nhị vô cùng.
Trong canh hát quan họ tôi nhận thấy, người hát thường hát theo đôi nam, đôi nữ. Việc chọn người hát đôi cũng không đơn giản. Hai người phải hiểu ý nhau, biết nhường nhịn nhau. Không chỉ trong lúc hát mà cả trong cuộc sống cũng phải hợp nhau. Thế nên, có khi một người mất đi, người còn lại rất khó tìm được người để ghép đôi.
Những câu chuyện như thế không chỉ khiến người nghe say sưa mà đến người kể cũng say mê không kém.
Về Châm Khê, không chỉ được nghe hát quan họ, mà ta còn được thực sự sống trong không gian văn hóa quan họ. Từ đàn ông đến đàn bà, từ các cụ già đến các bạn trẻ, ai cũng nhẹ nhàng, nhã nhặn, nhiệt tình và cực kỳ mến khách. Từ cách mời trà, mời cơm, đến cách chào hỏi cũng đậm chất người quan họ, tế nhị mà rất chân tình.
Thật mừng vì ở một làng quê không xa Hà Nội là mấy ấy, nơi cuộc sống công nghiệp đã chạm đến từng nhà, vậy mà người dân vẫn giữ được cái hồn của quan họ cổ, để những người đam mê từ khắp nơi vẫn tìm về.
Và để giữ được cái hồn cốt ấy, phải kể đến công lao của các cụ cao niên trong làng, những người đã không ngừng giữ gìn và truyền dạy những tinh túy của quan họ, những người như bà Hẹn và rất nhiều người mà niềm đam mê của họ đã giữ cho quan họ mãi trường tồn.
Chỉ có điều đáng tiếc là hiện nay làng Châm Khê vẫn chưa có ai được phong nghệ nhân. Được biết, đợt vừa rồi chuẩn bị xét phong nghệ nhân cho ông Nguyễn Công Lụt thì ông lại mất. Trong khi đó cụ Khai, cụ Dứa, cụ Bí… đều đã ngoài 80 tuổi cả rồi.
Tuệ Minh