Các loại vật liệu xây dựng truyền thống gây ra những hệ luỵ như mất đất nông nghiệp, gia tăng khí thải, hiệu ứng nhà kính và các loại khí thải độc hại cho môi trường…
Hệ luỵ từ gạch nung
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Tổ chức sáng tạo Xanh Green ID vừa tổ chức hội thảo “Vật liệu xây dựng (VLXD) thân thiện với môi trường: Thực trạng và giải pháp”. Số liệu thống kê từ Hội VLXD Việt Nam, trong những năm gần đây, tổng diện tích trung bình của tầng xây dựng mới là khoảng 80 – 90 triệu m2 mỗi năm. Hầu hết các công trình xây dựng vẫn sử dụng các loại VLXD truyền thống, đặc biệt là gạch đất sét nung với sự gia tăng mạnh về số lượng tiêu thụ.
Theo tính toán, cứ 1 tỷ viên gạch nung quy chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất được khai thác ở độ sâu khoảng 2m, tương đương với 75ha đất nông nghiệp. Việc dùng than làm nhiên liệu đốt gây ra hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Dự báo đến năm 2020, nhu cầu sử dụng gạch nung của Việt Nam khoảng 42 tỷ viên, nếu đáp ứng nhu cầu này sẽ tiêu tốn từ 50 – 70 triệu m3 đất, tương đương với khoảng 3.000ha đất nông nghiệp, tiêu thụ hết 6 tỷ tấn than nung và thải ra môi trường khoảng 23 tỷ tấn CO2. “Rõ ràng, việc sản xuất gạch từ đất xét nung đang tạo ra những áp lực vô cùng lớn đến môi trường sống của con người. Cần phải có giải pháp để tìm ra loại VLXD để dần thay thế loại VLXD truyền thống này” – PGS. TS Nguyễn Văn Tuấn – Đại học Xây dựng Hà Nội nói.
Cũng theo ông Tuấn, trước những áp lực từ việc sản xuất VLXD truyền thống, hiện nay ngành xây dựng đã nghiên cứu, sản xuất thành công và đưa vào sử dụng nhiều loại VLXD thân thiện với môi trường, thông qua quy trình chưng áp mà không phải nung bằng nhiên liệu đốt, như: Gạch bê tông khí, thạch cao, kính xây dựng, VLXD làm từ hợp chất panel… Phương pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu những tác động lên môi trường trong quá trình sản xuất VLXD, đó là sử dụng các loại vật liệu dễ tái chế, như: Tre, gỗ, vải sơn, thạch cao, tro bay công nghiệp, tấm MDF… Nhưng người dân không mặn mà sử dụng loại vật liệu này.
Cần thu phí khí thải
PGS.TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, diễn biến chỉ số chất lượng không khí trong nhiều năm qua liên tục ở ngưỡng xấu tăng dần, nồng độ bụi PM 10, PM 2.5 ở các trạm quan trắc tự động cũng tăng ở mức nguy hại. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí thì phải quy định người gây ô nhiễm phải trả tiền. Hiện các nguồn gây ô nhiễm không khí chính là các cơ sở sản xuất như nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề tái chế kim loại, tái chế giấy, ô tô xe máy, hoạt động xây dựng…. Để thu được phí, cần thực hiện với các nguồn khí thải lưu lượng lớn phải lắp thiết bị quan trắc tự động để tính lượng khí thải. Ví dụ đối với nhiệt điện than, theo tính toán sơ bộ, cơ sở sản xuất sẽ phải trả chi phí khoảng 2,4 triệu đồng/MW/năm. Có như thế mới hạn chế được khí thải, hạn chế việc sử dụng những VLXD truyền thống để doanh nghiệp chuyển mình áp dụng các công nghệ mới, vật liệu mới.
PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG TPHCM cho rằng, đã đến lúc cần kiểm kê khí thải toàn Việt Nam. Định kỳ 05 năm cập nhật số liệu phát thải khí thải, đồng thời kết hợp với mô phỏng chất lượng không khí để xác định khu vực có nồng độ cao và tải lượng phát thải cao. Từ đó, đề xuất bổ sung hoặc sửa đổi một số giải pháp kiểm soát cho phù hợp thực tế. Với những vùng không khí đã bị ô nhiễm, cần thực hiện nghiên cứu, xác định tác động ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng và kinh tế.
Theo PGS. TS Bùi Thị An – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, việc sử dụng các loại VLXD dễ tái chế sẽ mang lại chất lượng cao do những sản phẩm tiền chế đã được chọn lọc và trong quá trình thi công loại vật liệu này sẽ có ít rác thải hơn. VLXD tái chế không chỉ giảm năng lượng hàm chứa và rác thải xây dựng mà còn giúp tiết kiệm thời gian, chi phí trong quá trình thi công. Có điều cần có chế tài bắt buộc thực hiện như thế nào, để hạn chế mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm không khí đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.