Vật liệu nano có độc hại không?
Một thời gian, người ta đặt ra câu hỏi “vật liệu nano có độc không? Chúng nhỏ như thế thì có thể xâp nhập vào tế bào, phá hủy tế bào hay không?”. Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Phạm Văn Nho cho rằng, để đánh giá độ độc hại của một vật liệu đối với cơ thể trước tiên phải xét về mặt hóa học, nó có tham gia vào các phản ứng sinh hóa gây hại cho cơ thể không, có đào thải được không. Tiếp theo cần phải xác định xem hạt nano có chui được vào tế bào cơ thể không. Cuối cùng là tính chất của hạt nano có phát huy được không khi ở trong cơ thể.
Theo các tiêu chí này thì các vật liệu đang được ứng dụng nhiều như nano dioxittitan, nano bạc là an toàn với cơ thể. Các chất này không tan trong dịch thể, xưa nay vẫn được phép y tế sử dụng trong mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm, nha khoa, ngoại khoa. Các hạt nano dioxittitan, nano bạc có kích thước trung bình 10-30nm không thể chui vào tế bào qua 2 lớp màng với trao đổi chất chỉ rộng khoảng 0,35 đến 0,8 nm, nhỏ hơn một chục lần lại có tính chọn lọc phức tạp.
“Ngay cả khi chui được vào cơ thể các hạt nano này cũng không có điều kiện để phát huy đặc tính của chúng như khi ở ngoài môi trường. Đấy là chưa kể nồng độ nếu có cũng quá nhỏ so với hệ thống bảo vệ của cơ thể. Nên nếu sử dụng vật liệu nano đúng chuẩn thì có thể yên tâm về mức độ an toàn, không gây hại gì cho cơ thể con người. Điều này đã được nhiều công trình khoa học chứng minh. Ứng dụng công nghệ nano trên thế giới phát triển khá rộng rãi từ chăm sóc sức khỏe, linh kiện điện tử đến chăn nuôi, nông nghiệp, mỹ phẩm, làm đẹp…”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.
Độc hại từ khâu chế tạo hạt nano
PGS.TS Phạm Văn Nho cho rằng, vật liệu nano là an toàn, tuy nhiên sự độc hại có thể gây ra bởi công nghệ chế tạo vật liệu nano. Các hạt nano thường được chế tạo bằng phương pháp hóa học. Cùng với sự tạo thành của hạt nano còn có các thành phần khác có thể gây độc hại như các sản phẩm phụ, các chất tồn dư không phản ứng hết, chất ổn định trạng thái, chất điều chỉnh môi trường.
Nói một cách dễ hiểu là, nano bạc chỉ tồn tại trong môi trường đặc trưng của nó. Đây là vấn đề công nghệ chế tạo. Phải tạo ra một môi trường để các hạt nano không dính vào nhau, bằng nhiều chất khác nhau như Chitosan hay vật liệu hữu cơ. Mà Chitosan lại chỉ tan trong môi trường axit.
Cách rẻ nhất để người ta chế tạo nano bạc là tạo ra từ các phản ứng hóa học. Trong quá trình đó, có những chất không phản ứng hết, có thể tồn tại trong sản phẩm, gây hại cho người sử dụng. Những tạp chất trong quá trình chế tạo hạt nano chính là thủ phạm gây ra độc tố cho người sử dụng.
Vậy độc tố này là gì? PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết, nếu là môi trường nhiều kiềm lại đi điều chế làm dung dịch vệ sinh cho phụ nữ thì nguy hiểm vì nó làm thay đổi độ PH. Hay nếu là môi trường axit lại đi làm kem đánh răng thì chúng sẽ ăn mòn răng.
Như kết quả kiểm tra các sản phẩm nano bạc do các công ty, các phóng viên điều tra và người dân gửi đến Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phân tích thì “trên 90 % sản phẩm nano bạc lưu hành trên thị trường là giả, hoàn toàn không có nano bạc mà chỉ là dung dịch muối bạc hay phức bạc.
Khoảng dăm phần trăm số mẫu là nano bạc chất lượng kém, chứa chủ yếu muối bạc còn nano bạc rất ít nên cũng không thể gọi là nano bạc. Các dung dịch này độc; ngoài ra, độ axit hay độ kiềm rất cao, có thể gây bỏng cho người và động vật, cháy lá cây trồng, và rất hại cho môi trường”.
PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết, nano bạc nguyên chất, với các thành phần, chỉ tiêu đúng chuẩn, giá trên thị thị trường thế giới là 150 triệu đồng/lít. Nhưng nano bạc ở thị trường Việt Nam, được người ta mua đi bán lại, với giá chỉ khoảng 200 ngàn đồng/lít thì khó có thể đảm bảo chất lượng. Sự khác nhau ở đây là nồng độ các hạt nano bạc cao hay thấp, thành phần các chất khác thế nào.