Vật lạ bắn vào mắt, 2 người bị viêm loét giác mạc trực khuẩn mủ xanh

Trực khuẩn mủ xanh là loại vi khuẩn nguy hiểm. Khi trực khuẩn mủ xanh vào cơ thể có thể gây nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, viêm màng não, viêm màng trong tim, viêm tai giữa,...nhiễm trùng máu có tỷ lệ tử vong rất cao.

2 người loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh

Khoa Mắt - Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí gần đây tiếp nhận 2 trường hợp nhập viện điều trị với chẩn đoán loét giác mạc, mủ tiền phòng do nhiễm trực khuẩn mủ xanh mà nguyên nhân là do dị vật bắn vào mắt.

Như trường hợp của một người đàn ông 58 tuổi (Quảng Yên – Quảng Ninh) nhập viện với chẩn đoán mắt phải loét giác mạc, mủ tiền phòng.

Theo lời người bệnh, cách vào viện khoảng 1 tuần người bệnh cắt sắt bằng máy, không rõ vật lạ gì bắn vào mắt. Sau tai nạn mắt đau nhức, cộm mắt và nhìn mờ ngày càng tăng nhưng người bệnh lại không điều trị gì.

Chỉ đến khi tình trạng mắt đau nhức tăng lên, có dịch mủ chảy và không thể mở được mắt người bệnh mới đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí để kiểm tra.

Tại Bệnh viện, người bệnh được lấy mủ ổ loét giác mạc làm xét nghiệm cấy vi khuẩn mẫu mủ cho kết quả người bệnh nhiễm trực khuẩn mủ xanh...

Trực khuẩn mủ xanh là một loại vi khuẩn nguy hiểm, nó gây ra nhiều loại nhiễm trùng khác nhau cho con người như nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi, tấn công vào các vết thương, vết mổ của người bệnh và gây ra tình trạng nhiễm trùng huyết nặng.

Thăm khám cho bệnh nhân đau mắt tại bệnh viện - Ảnh BVCC

Thăm khám cho bệnh nhân đau mắt tại bệnh viện - Ảnh BVCC

Trực khuẩn mủ xanh là gì?

Trực khuẩn mủ xanh hay còn gọi là Pseudomonas aeruginosa, là trực khuẩn Gram âm hiếu khí, thuộc giống vi khuẩn Pseudomonas, có dạng hình que nhỏ, đứng riêng lẻ, thành đôi hoặc có khi xếp thành chuỗi và có khả năng di động bằng một hoặc nhiều lông ở một đầu.

Trong môi trường tự nhiên, Pseudomonas aeruginosa có thể sống trong đất, trong đầm lầy và đặc biệt là môi trường ven biển, chúng tồn tại trong điều kiện mà ít sinh vật nào có thể chịu được.

Pseudomonas aeruginosa thường tồn tại nhiều trong môi trường bệnh viện, chúng có thể được tìm thấy trong các dụng cụ y tế, sàn nhà, tường, giường bệnh và có thể có trên tay của các cán bộ y tế.

Từ đó, vi khuẩn dễ lây lan, xâm nhập vào bệnh nhân và gây bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân bệnh nhân mắc các bệnh lý ác tính, giảm bạch cầu, bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, bị bỏng hoặc dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch kéo dài.

Ngoài ra Trực khuẩn mủ xanh có thể sinh sôi trong các loại thuốc nhỏ mắt, thuốc gây mê, xà phòng, bồn rửa, thiết bị hồi sức, nhiên liệu, nơi ẩm ướt và thậm chí ở trong nước cất.

Trong cơ thể người, Trực khuẩn mủ xanh tạo ra một lớp chất nhờn chống lại thực bào và hầu hết các loại thuốc kháng sinh.

Trực khuẩn mủ xanh - Ảnh minh họa

Trực khuẩn mủ xanh - Ảnh minh họa

Mối nguy hiểm do trực khuẩn mủ xanh gây nên

Pseudomonas aeruginosa khi vào trong cơ thể có thể gây nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, viêm màng não, viêm màng trong tim, viêm tai giữa,...Trong đó có nhiễm trùng máu, là loại nhiễm trùng có tỷ lệ tử vong rất cao.

Tùy thuộc vào từng loại nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra mà có các triệu chứng khác nhau.

Nhiễm trùng máu do Pseudomonas aeruginosa gây ra các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể, đau đầu nhẹ, nhịp tim nhanh, thở nhanh, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, giảm đi tiểu.

Bệnh nhân bị viêm phổi do trực khuẩn mủ xanh gồm các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, khó thở, ho, đôi khi có chất nhờn màu vàng, xanh lá cây hoặc máu.

Bệnh nhân muốn đi tiểu thường xuyên, khi tiểu bệnh nhân cảm giác đau buốt, nước tiểu có màu và có mùi khó chịu, đây là các triệu chứng thường thấy khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu do Pseudomonas aeruginosa.

Đối với những vết thương hở, trực khuẩn mủ xanh sẽ khiến vết thương bị nhiễm trùng, gây cảm giác đau, tấy đỏ, chảy dịch ở vết thương. Nếu tình trạng nhiễm trùng này kéo dài, không được điều trị, trực khuẩn mủ xanh có thể xâm nhập vào máu và gây nhiễm khuẩn huyết cho bệnh nhân.

Đối với trường hợp nhiễm trùng tai giữa bệnh nhân có thể có các triệu chứng như đau tai, mất thính lực, chóng mặt và mất phương hướng.

Trực khuẩn mủ xanh gây nhiễm trùng máu, khiến người bệnh có tỉ lệ tử vong cao

Chẩn đoán và điều trị trực khuẩn mủ xanh

Bệnh phẩm được sử dụng để chẩn đoán trực khuẩn mủ xanh là mủ, máu, nước tiểu, dịch não tủy, dịch màng phổi. Các bệnh phẩm này sẽ được cấy trong môi trường thông thường, nếu có điều kiện, cấy bệnh phẩm vào môi trường cetrimid, môi trường pseudomonas. Khi vi khuẩn mọc, chọn khuẩn lạc làm tiêu bản nhuộm Gram, xác định tính chất sinh vật hoá học.

Kháng sinh là thuốc được lựa chọn để điều trị nhiễm khuẩn Pseudomonas aeruginosa. Khi chỉ định kháng sinh cần phải làm kháng sinh đồ cho bệnh nhân.

Nguyên tắc sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn do trực khuẩn mủ xanh:

Nên kết hợp một penicillin có hoạt tính chống Pseudomonas aeruginosa như ticarcillin, piperacillin, mezlocillin với kháng sinh nhóm aminoglycosid như tobramycin, amikacin.

Hoặc có thể phối hợp ceftazidim, imipenem và các quinolon mới như norfloxacin, ciprofloxacin để điều trị.

Có thể kết hợp dùng kháng sinh toàn thân và các loại thuốc kháng khuẩn tại chỗ để điều trị nhiễm khuẩn do trực khuẩn mủ xanh.

Cách phòng ngừa trực khuẩn mủ xanh

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà cửa, nguồn đất, nguồn nước sinh hoạt,...

- Đảm bảo môi trường bệnh viện luôn sạch sẽ, thoáng mát, thực hiện nghiêm túc các quy trình khử trùng, tiệt trùng định kỳ.

- Thực hiện đúng các thao tác vô trùng để tránh nhiễm chéo bệnh viện.

- Nạn nhân bị bỏng nặng nên đưa vào phòng cách ly để hạn chế tối đa tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh tiềm ẩn.

Theo Đời sống
back to top