Khi mà Huawei đang mở rộng đế chế kinh doanh ra khắp toàn cầu, cung cấp thiết bị để mang điện thoại di động và dịch vụ dữ liệu đến cả những nơi xa xôi nhất trên hành tinh này, nhân viên của Huawei được khuyến khích bởi văn hóa luôn quyết tâm theo đuổi những mục tiêu kinh doanh mới, theo New York Times.
Họ làm việc cật lực nhiều giờ. Họ được khuyến khích để phá vỡ các quy định của công ty, miễn rằng điều đó làm lợi cho công ty chứ không phải cá nhân, theo chia sẻ của những nhân viên Huawei được New York Times phỏng vấn.
Nhân viên làm việc tại công ty và những người từng nghiên cứu về văn hóa công ty thường đặt tên cho văn hóa làm việc tại công ty là “văn hóa sói”.
Giờ đây, cách làm việc đầy táo bạo đang bị chú ý hơn bao giờ hết. Mỹ đã bắt giữ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu, một quản lý hàng đầu của Huawei và đồng thời là con gái nhà sáng lập, với cáo buộc lừa đảo ngân hàng nhằm hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của công ty tại Iran.
Hiện chưa rõ liệu văn hóa của Huawei đã hình thành nên các thương vụ tại Iran như thế nào. Thế nhưng ý chí tiến lên quyết liệt từng giúp cho Huawei vươn đến thị trường toàn cầu nay đang gây hại cho chính Huawei.
Nhân viên thuộc Huawei bị cáo buộc đã đưa hối lộ cho các quan chức chính phủ để giành được hoạt động kinh doanh tại châu Phi, bắt chước mã nguồn mở của đối thủ Mỹ và thậm chí ăn trộm cả đầu ngón tay của robot tại Mobile lab.
Vào năm 2015, CEO của Huawei, ông Ren Zhengfei, cho biết rằng trong một chương trình ân xá của công ty, hàng nghìn nhân viên đã thú nhận vi phạm nhiều quy định của công ty, từ báo cáo sai lệch thông tin tài chính công ty cho đến đưa hối lộ.
Trong tuyên bố qua email, phát ngôn viên của Huawei cho biết Huawei yêu cầu tất cả nhân viên nghiên cứu và ký cam kết về quy chuẩn kinh doanh hàng năm. Phát ngôn viên của Huawei, ông Joe Kelly, nói: “Theo cam kết của công ty, nhân viên phải tuân thủ hoàn toàn luật pháp địa phương. Nếu nhân viên không làm đúng theo quy chuẩn trên, công ty sẽ hành động và có thể chấm dứt hợp đồng lao động”.
Vào năm 2015, ông Ren từng cho biết rằng Huawei thắt chặt các quy định với hành vi sai phạm của công ty, thế nhưng năm sau đó, trong email gửi công ty, ông này cũng thừa nhận rằng nhiều nhân viên không chú ý đến quy định và kiểm soát nội bộ bởi Huawei đánh giá nhân viên chỉ dựa trên thành tích kinh doanh của họ.
Trong tuyên bố gửi qua email gần đây, ông Ren nói rằng cần phải tuân thủ các quy định nội bộ, thế nhưng điều này cũng không nên trở thành yếu tố cản trở.
Ông từng nói trong một tuyên bố được đăng tải trên chính website của Huawei: “Nếu việc tuân thủ văn hóa nội bộ cản trở công ty có thành tích, và rồi cuối cùng tất cả chúng ta đều sẽ chết”.
Vụ bắt giữ của bà Mạnh trong tháng này đã khiến cho quan hệ Trung Quốc và Mỹ trở nên u ám hơn, làm mất đi nỗ lực từ cả hai nước trong việc làm giảm xung đột kinh tế. Đã nhiều năm nay, Mỹ không thích Huawei, Mỹ coi đó như một công cụ thực hiện hành vi gián điệp - điều mà Huawei cho đến giờ luôn bác bỏ.
Những rủi ro an ninh liên quan đến Huawei và nhiều nhà cung cấp thiết bị khác của Trung Quốc đang khiến cho ngày một nhiều đồng minh của Mỹ lo ngại.
Tại hội nghị thường niên của những người đứng đầu cơ quan tình báo của nhóm nước Five Eyes, Huaweid được các chuyên gia tình báo cấp cao đến từ Anh, Australia, New Zealand, Canada và Mỹ bàn đến nhiều nhất.
Không hề có một thỏa thuận nào về việc nhóm nước trên muốn cấm hoàn toàn Huawei, thế nhưng cuộc bàn thảo cho thấy các nước phương Tây phối hợp khá lỏng lẻo khi mà họ cố gắng đẩy Huawei ra khỏi các hợp đồng phát triển mạng 5G.
Áp lực lên hoạt động kinh doanh của Huawei đang ngày một lớn dần. Tại Đức vào tuần trước, Deutsche Telekom cho biết họ đang xem xét nghiêm túc về các cuộc đối thoại trên toàn cầu về an ninh mạng lưới của thiết bị do Trung Quốc sản xuất. Vào ngày thứ Hai, tình báo Séc cảnh báo những nước vẫn tiếp tục hợp tác với Huawei và ZTE.