Vui với những gì mình có
Ông Thế Long ( tên thật là Linh Quang Luông). Ông là người dân tộc Tày ở Cao Bằng. Tháng 3/1945, ông tham gia Cách mạng. Từng là chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô anh hùng, cảm tử quân Thủ đô, chiến sĩ Điện Biên.
Ông may mắn được gặp Bác Hồ từ rất sớm, khi Bác về Cao Bằng. Lần đầu tiên được nghe Bác nói chuyện, ông đã mê ngay và xin vào bộ đội để được theo bảo vệ Bác. Nghe ông kể về những ngày tháng đánh Pháp, từ Cao Bằng, về Tuyên Quang, lên Điện Biên, những ngày đóng ở Thủ đô, từng ôm bom ba càng đánh xe tăng Pháp… rất hào hùng.
Thật tự hào khi giờ đây, với mỗi một góc phố, mỗi con đường ông đều có thể kể những câu chuyện thời kháng chiến. Khu vực phố Trần Khánh Dư là nơi ông đã cùng đồng đội ôm bom ba càng chờ đánh xe tăng địch đi từ phía nhà thương Đồn Thủy (giờ là Bệnh viện Quân y 108). Những địa danh ấy chỉ những người như ông mới nhớ được.
Mà cũng thật đặc biệt, khi kể về những trận đánh cách đây đến gần 70 năm ông vẫn nhớ. Tên người thì có thể quên, nhưng những sự kiện thì còn như in trong trí nhớ ông.
Ông bảo, càng già càng ngẫm thì mới thấy con người ta đều có số mệnh cả. Như ông, vào sinh ra tử, cận kề cái chết, có những khi người ở dưới hầm thì chết, người ở nơi nguy hiểm lại sống. 3 lần bị thương, đến giờ trong phổi ông còn rất nhiều mảnh đạn. Đến nỗi khi vào bệnh viện chụp, bác sĩ phải cho chụp đi chụp lại 3 lần vì các mảnh đạn phát sáng như sao. Vậy mà, bao năm nay vẫn sống khỏe, vẫn coi như không có chuyện gì, kể cũng lạ.
Sống đến tuổi này rồi, nói là hài lòng thì cũng chưa hẳn, nhưng tạm bằng lòng với cuộc sống của mình, vui vẻ với những thứ mình có. Dù rằng còn rất nhiều điều chưa được như mình mong muốn. Nhưng nhìn lên thì cũng phải nhìn xuống để thấy còn rất nhiều người khổ hơn mình.
Nhất là những người đã nằm lại trong lòng đất, vĩnh viễn không được hưởng những ngày sống trong hòa bình. Bạn bè cùng tuổi thì cũng mất đi nhiều, người còn thì bệnh tật, lú lẫn, mình vẫn còn khỏe mạnh, vẫn hát và làm thơ được như thế này là hạnh phúc lắm rồi.
Cái gì cũng phải giữ chừng mực
Theo ông Long, sống trên đời, quan trọng nhất là cái gì cũng phải giữ chừng mực. Vui cũng đừng vui quá, mà buồn cũng đừng buồn quá. Ăn đừng no quá, uống cũng vừa vừa thôi. Bởi con người muốn sống tốt thì phải biết giữ cân bằng âm – dương.
Theo khoa học hiện đại, có hai yếu tố luôn phải cân bằng là axit và bazơ, cái nào nhiều hơn là cũng gây bệnh. Ngay cả đức tin cũng vậy, tin quá sẽ thành ra mù quáng, sẽ dễ bị người khác lợi dụng để điều khiển mình.
Mà muốn giữ được cân bằng thì phải có kiến thức, có hiểu biết, phải biết lắng nghe cơ thể của chính mình. Những gì ta học trong nhà trường chỉ là kiến thức căn bản, còn suốt đời mỗi người phải tự học trong trường đời.
Phải tự mình tìm hiểu, không ai học hộ, không ai cho mình cả. Ngay cả mạng xã hội cũng vậy, rất nhiều kiến thức, nhưng phải biết cái gì đáng tin để mà học, cái gì nhố nhăng, vô bổ thì bỏ qua.
Với ông Long, cả tuổi trẻ đi kháng chiến, giờ đến ngưỡng đại lão rồi, nghĩa vụ với đất nước, với gia đình đã xong, điều quan trọng nhất là làm sao để sống vui, sống khỏe, khỏi phiền đến con cháu. Và làm thơ, ca hát là những thú vui của tuổi già, thuận với luật trời. Ông rất tích cực tham gia các CLB thơ như Người cao tuổi TP Hà Nội, CLB thơ Ban Mai, thơ Đường Hoàn Kiếm... Đợt vừa rồi, được nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, ông dành số tiền đó để in một tập thơ của riêng mình.
Ở tuổi 90 còn sức khỏe để hát, tâm hồn còn tràn đầy cảm xúc, trí óc còn minh mẫn để làm thơ được như ông Long, quả là điều hạnh phúc.