Vai trò của ăn uống điều trị bệnh ít người biết

Ăn điều trị có tác dụng trực tiếp tới căn nguyên bệnh và căn nguyên sinh bệnh. Vì vậy, tùy bệnh mà biết cách ăn cho phù hợp.

Các bác sĩ Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đà Nẵng cho biết, trong cuộc sống hiện đại, khi y học ngày càng phát triển, nhiều người thường chú trọng vào thuốc men và các biện pháp điều trị công nghệ cao.

Tuy nhiên, ít ai nhận ra rằng, chế độ ăn uống cũng đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình điều trị bệnh, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phục hồi và cải thiện sức khỏe của bệnh nhân.

Tác dụng trực tiếp tới căn nguyên gây bệnh

Ăn điều trị có tác dụng trực tiếp tới căn nguyên bệnh và căn nguyên sinh bệnh. Các ví dụ điển hình như bệnh nhiễm khuẩn, ngộ độc thức ăn, thiếu vitamin, suy dinh dưỡng, viêm loét dạ dày, đái tháo đường…

Trong các bệnh tiêu hóa, ăn uống hợp lý là biện pháp điều trị chủ yếu vì đây là nơi chuẩn bị và sử dụng thức ăn.

Có nhiều bệnh nhân thường bị ợ chua, đau ở vùng thượng vị hay có cảm giác đau thắt ở ngực. Đa số bệnh nhân này dễ kích thích và diễn biến đường trong máu dao động rất lớn. Khi lượng đường ở máu tăng lên thì sự tiết dịch của dạ dày giảm đi và khi lượng đường trong máu giảm đi thì sự tiết dịch của dạ dày tăng lên.

Do vậy những dao động về đường trong máu (do gần hay xa bữa ăn) gây ra những dao động mạnh về tiết dịch dạ dày.

Bên cạnh đó, nếu người bệnh ăn giảm chất bột đường để giảm sự tăng đường huyết và các bữa ăn gần nhau để đường huyết khỏi giảm xuống quá nhanh thì các triệu chứng liên quan đến bệnh Đái tháo đường cũng được cải thiện đáng kể....

Nâng cao sức đề kháng

Ăn điều trị còn giúp người bệnh nâng cao sức đề kháng của cơ thể từ đó người bệnh có thể chống chọi lại bệnh tật.

Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh là sự phát triển của các quá trình sinh bệnh như nhiễm khuẩn và nhiễm độc phụ thuộc một phần lớn vào phản ứng của cơ thể. Khi cơ thể suy nhược, ăn uống kém người bệnh dễ bị bệnh.

Vai trò của ăn uống điều trị đã được chứng minh trong thời xa xưa từ thời chiến tranh. Kinh nghiệm của quân đội ta trong kháng chiến đã chỉ rõ, có nhiều trường hợp bệnh binh bị thương phần mềm, bị gãy xương, các cơ quan nội tạng đã suy nhược sau những cơn sốt rét,.. nếu đồng thời với các biện pháp điều trị khác, lại chú ý thêm tới phần ăn thì kết quả điều trị sẽ tốt hơn, bệnh tật mau lành hơn, sốt rét chóng cắt cơn hơn, vết thương khép miệng, lên da mau hơn.

Điều hòa thần kinh và thể dịch

Cuối cùng ăn điều trị đều ảnh hưởng đến cơ chế điều hòa thần kinh và thể dịch. Sự rối loạn của cơ chế này ảnh hưởng đến quá trình diễn biến của bệnh và thường gây ra các rối loạn chức năng ở một số cơ quan và hệ cơ quan. Trong số các cơ chế điều hòa, đặc biệt phải kể đến sự điều hòa nội tiết và hệ thần kinh.

Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh là chất và lượng thức ăn ăn vào ảnh hưởng rất lớn đến hoạt tính của các nội tiết tố. Ví dụ một người ăn nhiều glucid (chất bột đường) sẽ làm tăng hoạt tính của chất adrenalin; ăn nhiều protid (chất đạm) làm tăng hoạt tính của hóc môn tuyến giáp.

Vậy nên ăn uống đủ về số lượng và chất lượng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị.

Trong nhiều trường hợp, những triệu chứng rõ nét của một số bệnh cấp tính thường qua đi rất nhanh. Bệnh nhân tự coi mình đã khỏe rồi, trong khi tính chất cấp tính đã âm ỉ chuyển thành mạn tính.

Chính trong giai đoạn âm ỉ, nếu kịp thời sử dụng thức ăn thích hợp, có thể cắt đứt được sự phát triển của bệnh, khuynh chuyển sang mạn tính.

Những lưu ý khi thực hiện

Các bác sĩ dinh dưỡng nhấn mạnh, trong ăn điều trị, điều cần chú ý là không thể tiến hành ăn một cách máy móc mà phải căn cứ vào đặc điểm của bệnh, vào phản ứng của cơ thể người bệnh và dựa vào quá trình phát triển và sự diễn biến của bệnh mà có chiến thuật ăn điều trị thích hợp.

Khi so sánh yếu tố ăn uống với các yếu tố khác trong điều trị thì bản thân người bệnh dù người ta có chú ý tới ăn điều trị hay không, vẫn phải ăn. Vì nếu không ăn thì bệnh nhân không thể sống được. Nhưng nếu ăn không hợp lý lại có thể là nguyên nhân của nhiều bệnh.

Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị, bác sĩ hay người thầy thuốc khi quyết định liều lượng thuốc, chế độ lao động, thể dục đều dựa vào tình hình thể lực của bệnh nhân và khả năng ăn uống của người bệnh.

Hơn thế, phải coi thức ăn như thuốc. Xác định nhu cầu dinh dưỡng chất lượng thực phẩm, cách thức chế biến để giữ được giá trị dinh dưỡng và tạo ra các món ăn, hợp khẩu vị người bệnh, ấn định số lượng mỗi bữa ăn, số lần và giờ giấc cho ăn, đảm bảo ăn, tất cả đều phải được tuân thủ như một mệnh lệnh điều trị.

Tóm lại, ăn điều trị là một bộ phận không thể thiếu được trong các biện pháp điều trị tổng hợp. Do đó, nơi nào không có tổ chức ăn điều trị thì nơi đó không thể có điều trị hợp lí được.

Theo Đời sống
back to top