Đối tượng có nguy cơ cao
Để có thể hoàn toàn yên tâm về dịch Covid-19, phải chờ đến lúc có văcxin. Ở Việt Nam, có 2 nguồn chính bao gồm văcxin trong nước với 4 nhà sản xuất đang chạy đua và đều đang ở giai đoạn thử nghiệm trên động vật. Nguồn thứ 2 là văcxin nhập khẩu, với 3 nguồn chính và Việt Nam đều đã đặt hàng, nhận được cam kết sẽ được cung cấp sớm, với giá ưu đãi dành cho nước đang phát triển (khoảng 10USD/liều tiêm 2 mũi).
Theo nguồn tin từ Bộ Y tế, các tính toán gần đây đều dựa trên chủ trương mua đủ văcxin ngừa Covid-19 cho toàn dân. Trong tình huống này, văcxin ngoại sẽ được ưu tiên nhập khẩu trong lúc chờ đợi văcxin nội. Với chi phí được cho là ưu đãi, 95 triệu người Việt Nam sẽ cần nguồn ngân sách khoảng 1 tỷ USD để mua văcxin. Nhưng trong khi nguồn cung cấp ít ỏi, sẽ tiêm trước cho những người nguy cơ cao nhất, dễ bị lây nhiễm nhất (nhân viên y tế, người làm việc tại khu vực nguy cơ cao...) và những người nếu nhiễm Covid-19 sẽ dễ có biến chuyển nặng (người già, người bệnh mạn tính...) trước.
Trả lời phóng viên KH&ĐS về vấn đề văcxin phòng Covid-19, TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng (RTCCD – thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) – chuyên gia về y tế cộng đồng cho biết, phòng chống Covid-19 tại Việt Nam, xét về mặt tài chính chúng ta không nên chạy theo hướng bỏ nguồn ngân sách lớn để mua văcxin dự phòng mà tốt nhất là bản thân tự dự phòng.
TS Trần Tuấn phân tích, hiện các văcxin được công bố cũng vẫn đang còn tranh cãi, chưa khẳng định được tính khoa học chắc chắn, hiệu ứng của văcxin vẫn còn bỏ ngỏ. Hơn nữa, văcxin chỉ có thể phòng được 1 chủng virus SARS-CoV-2, lại có hiệu lực phòng ngừa ngắn chứ không phải hằng năm. Trong khi đó, SARS-CoV-2 đã biến chủng rất nhiều thể. Tại Việt Nam và các nước đang phát triển có sự miễn dịch chéo giữa các virus nên virus SARS-CoV-2 ở Việt Nam gần giống như các chủng cúm. Đặc biệt, tình trạng bệnh nhiễm trùng ở nước ta tồn tại lâu dài nhiều năm nên cơ thể thích nghi và dịch Covid-19 không nghiêm trọng như ở các nước phát triển.
PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng, không nên đặt vấn đề mua văcxin để tiêm cho toàn dân vì sẽ rất tốn kém và hiệu quả không cao mà nên thực hiện song song, vừa mua văcxin với số lượng vừa phải, vừa thực hiện nghiên cứu trong nước. Hiện công tác phòng dịch ở Việt Nam đã được thực hiện khá tốt. Đối với bệnh truyền nhiễm, chỉ cần cắt đứt các “mắt xích” truyền nhiễm là có thể giảm thiểu khả năng lây nhiễm rất lớn.
Chuyển giao công nghệ, vừa nhanh vừa rẻ
TS Đỗ Tuấn Đạt, Công ty TNHH MTV Văcxin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) cho biết, đối với văcxin trong nước, đến thời điểm này vẫn đang được tiếp tục thử nghiệm trên chuột, chắc chắn không có đơn vị nào có thể hoàn thành nghiên cứu trong năm 2020. Các công đoạn đã được rút ngắn hết mức có thể thì sớm nhất là năm 2021 có thể sẽ có văcxin. Với tốc độ này thì khả năng các nước khác sản xuất văcxin sớm hơn Việt Nam là rất cao, việc nhập khẩu văcxin cũng đã được tính đến. Tuy nhiên, nhập khẩu bao nhiêu, phân phối thế nào, bao giờ thì văcxin nội sẽ thay thế… cần được tính toán kỹ.
PGS.TS Đinh Duy Kháng cho rằng, cách tốt nhất là nhận chuyển giao công nghệ. Đây là con đường vừa ngắn, vừa tiết kiệm trong nghiên cứu sản xuất văcxin đã được chính các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Sinh học thực hiện để sản xuất văcxin dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, khi các nước khác đã có văcxin, chúng ta chỉ cần mua chủng giống đó về (giống như mua công nghệ) rồi sản xuất văcxin trong nước. Bởi con đường để sản xuất chủng giống văcxin có khi mất cả đến chục năm.
Trong khi chưa có văcxin, theo TS Trần Tuấn, phương pháp phòng tránh tốt nhất là thực hiện phòng chống miễn dịch tự nhiên và nâng cao thể trạng giảm nguy cơ mắc các bệnh nền khác. Theo đó, mỗi người dân nên tuân thủ phương pháp phòng bệnh cá nhân một cách triệt để: Không đến nơi hội họp đông người, đeo khẩu trang khi ra đường và giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ... để phòng chống bệnh lây nhiễm nói chung và Covid–19 nói riêng. Đặc biệt, người dân cần phòng chống các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tiểu đường, tim mạch... bằng lối sống lành mạnh, không sử dụng rượu, bia, thuốc lá... Tích cực sử dụng các loại kháng sinh tự nhiên từ thảo dược như tỏi, hương nhu, các loại rau thơm...