Vaccine ung thư đòi hỏi cá thể hóa
Vaccine đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các bệnh do virus và vi khuẩn gây ra. Đối với các bệnh do virus gây ra (ví dụ như bệnh sởi, bại liệt và đậu mùa) và vi khuẩn (ví dụ như bệnh bạch hầu, uốn ván và bệnh lao), vaccine hoạt động bằng cách cho cơ thể tiếp xúc với phiên bản bị suy yếu hoặc bất hoạt của mầm bệnh.
Điều này cho phép hệ thống miễn dịch xác định các mối đe dọa này theo các dấu hiệu cụ thể được gọi là "kháng nguyên" và tăng cường phản ứng chống lại chúng.
Tuy nhiên, trong trường hợp ung thư, phức tạp hơn, đã gây khó khăn hơn cho việc phát triển vaccine để ngăn ngừa hoặc điều trị ung thư. Đặc biệt, không giống như vi khuẩn và virus, có vẻ "lạ" với hệ thống miễn dịch của chúng ta, các tế bào ung thư gần giống với các tế bào khỏe mạnh bình thường.
Hơn nữa, khối u của mỗi cá nhân là duy nhất và không giống các khối u ở vị trí khác và của cá thể khác, nó có các kháng nguyên phân biệt riêng. Do đó, các phương pháp tiếp cận để phát triển vaccine ung thư hiệu quả phức tạp hơn rất nhiều và cần cá thể hoá.
Vaccine ung thư là vắc xin phòng bệnh hay điều trị? - Ảnh minh họa |
Các loại vaccine phòng ngừa và chữa trị ung thư
Vậy sẽ có hai loại vaccine liên quan đến ung thư là vaccine phòng ngừa và vaccine điều trị: Vaccine phòng ngừa dành cho người khoẻ mạnh chưa bị mắc ung thư nhằm hạn chế một số tác nhân gây ung thư đã được biết như virus.
Việc phát triển các vaccine phòng ngừa khác ví dụ cho đối tượng khoẻ mạnh có nguy cơ ung thư di truyền vẫn còn đang nghiên cứu, trong khi đó vaccine điều trị dành cho người đã mắc ung thư nhằm hạn chế bệnh tái phát hoặc làm chậm tiến triển của bệnh.
Cụ thể: Một số virus chèn DNA (hoặc RNA) của chính chúng vào tế bào chủ. Khi DNA hoặc RNA ảnh hưởng đến gen của tế bào chủ, nó có thể đẩy tế bào trở thành ung thư. Gần 20 % các ca ung thư trên toàn thế giới là do virus gây ra.
7 loại virus gây ung thư trực tiếp hoặc gián tiếp đã biết bao gồm:
- Virus Human papillomavirus (HPV) gây ung thư cổ tử cung, dương vật, ống hậu môn, họng miệng.
- Virus Epstein-Barr gây u lympho Hodgkin, ung thư vòm
-Virus lympho T ở người gây bệnh bạch cầu tế bào T ở người lớn.
- Virus đa u tế bào Merkel gây ung thư biểu mô tế bào Merkel.
- Virus viêm gan B gây ung thư biểu mô tế bào gan.
- Virus viêm gan C gây ung thư biểu mô tế bào gan.
- Virus HIV: HIV làm suy yếu hệ thống miễn dịch cho phép một số loại virus khác như HPV, phát triển mạnh và có thể dẫn đến ung thư như sarcom Kaposi
Có 2 loại vaccine ngừa ung thư được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận:
Vaccine HPV: Vaccine bảo vệ chống lại virus gây u nhú ở người (HPV). Virus này nếu tồn tại lâu trong cơ thể sẽ gây ra một số loại ung thư. FDA đã phê duyệt vaccine HPV để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, âm đạo và âm hộ, ung thư hậu môn, ung thư dương vật, ung thư họng miệng, mụn cóc sinh dục.
Vaccine viêm gan B: Bảo vệ chống lại virus viêm gan B (HBV) có thể gây ung thư gan. Vaccine viêm gan B được giới thiệu vào năm 1986 và đã được công nhận là vaccine chống ung thư đầu tiên. Kể từ đó, hơn một tỷ người trên toàn thế giới đã được tiêm chủng. Vaccine viêm gan B đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả.
Vaccine ung thư là vắc xin phòng bệnh hay điều trị? - Ảnh minh họa |
Vaccine điều trị ung thư hoạt động như thế nào?
Có những loại vaccine điều trị ung thư được gọi là vaccine điều trị hoặc vaccine trị liệu còn gọi là liệu pháp miễn dịch. Chúng có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại bệnh ung thư.Các loại vaccine điều trị khác nhau hoạt động theo những cách khác nhau, có thể bao gồm:
- Giữ cho ung thư không tái phát.
- Tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể sau khi đ:i:ều: t:r:ị kết thúc.
- Ngăn khối u phát triển hoặc lan rộng và di căn.
Hiện nay chỉ mới có hai loại vaccine điều trị bệnh ung thư đã được chấp thuận, tất cả các vaccine điều trị còn lại đều đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa được áp dụng rộng rãi, hai vaccine điều trị bao gồm:
- Vaccine BCG điều trị ung thư bàng quang nông sau khi đã cắt u qua nội soi.
- Vaccine sipuleucel-T cho những người bị ung thư tuyến tiền liệt di căn.
Hy vọng trong thời gian sắp tới, những vaccine điều trị sẽ thử nghiệm thành công, giúp con người có thêm những vũ khí mới để chống lại căn bệnh này, cũng như để kéo dài và tăng cường chất lượng cuộc sống ở những bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh ung thư.
ThS.BS Trần Đức Cảnh (Khoa Nội soi và thăm dò chức năng, bệnh viện K Trung ương)