Vaccine Sinopharm được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt khẩn cấp ngày 7/5, có tên gọi BBIBP-CorV. Vaccine do Sinopharm phát triển và Viện Sinh phẩm Bắc Kinh sản xuất, được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến nay, vaccine này đang sử dụng tại 59 quốc gia với khoảng 800 triệu liều đã được sử dụng, theo Bộ Y tế. Tại Việt Nam, vaccine này được phê duyệt cho mục đích khẩn cấp chống dịch ngày 3/6.
SinoPharm sử dụng virus bất hoạt, một công nghệ truyền thống, từng được dùng với vaccine bại liệt. Về cơ bản, phương pháp này tương đối nguyên thủy, giống với cách thức điều chế mà Edward Jenner, nhà khoa học người Anh, cha đẻ ngành miễn dịch học, thực hiện ở thế kỷ 18.
Ông đã sử dụng virus đậu mùa giảm độc lực từ bò để tạo ra vaccine ngăn ngừa căn bệnh này. Công nghệ chứng minh hiệu quả qua hàng trăm năm lịch sử y khoa, ít rủi ro hơn so với cách tiếp cận chưa được kiểm nghiệm.
Michael Kinch, chuyên gia về vaccine tại Đại học Washington, thành phố St. Louis, nhận định: "Chúng ta cần tìm hiểu lịch sử, đừng quên về những gì đã đạt hiệu quả trong quá khứ. Không cần ‘đao to búa lớn' khi phương pháp đơn giản vẫn cho ra kết quả tương tự".
Độ hiệu quả
Cuối năm ngoái, Sinopharm công bố dữ liệu sơ bộ cho thấy vaccine hiệu quả 79%. Kết quả này có sự khác biệt so với công bố của Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất ngày 9/12. Nước này đã phê duyệt vaccine Sinopharm và thông báo hiệu quả 86%.
Trong thử nghiệm lâm sàng mới nhất tại Sri Lanka, công bố kết quả ngày 20/7, các nhà nghiên cứu từ Đại học đầu ngành Sri Jayewardenepura, cho biết vaccine Sinopharm hiệu quả cao chống biến thể Delta.
"Phản ứng kháng thể từ vaccine với Delta tương tự mức kháng thể của người từng mắc Covid-19", trường Đại học viết trên web chính thức.
Trung bình, 95% tình nguyện viên được tiêm hai liều vaccine Sinopharm có phản ứng miễn dịch tương tự người nhiễm bệnh tự nhiên. Trong đó, 81,25% sinh kháng thể trung hòa, đặc hiệu với mầm bệnh. Kết quả cũng tương đối đồng nhất ở các nhóm tuổi. 98% người từ 20 đến 40 tuổi phát triển kháng thể sau tiêm vaccine. Kết quả ở nhóm 60 tuổi là 93%.
Giáo sư Neelika Malavige, trưởng khoa Miễn dịch học và Y học Phân tử của Đại học Sri Jayewardenepura, cho biết Sinopharm là loại vaccine được sử dụng nhiều nhất ở Sri Lanka do nguồn dự trữ sẵn có trong nước. Đến nay, 4,63 triệu người đã tiêm ít nhất một liều vaccine BBIBP-CorV. Nước này không ghi nhận trường hợp nào chịu tác dụng phụ nghiêm trọng.
Giáo sư Malavige cho biết nhóm chuyên gia đã xem xét mọi góc độ của hệ miễn dịch sau khi tiêm vaccine Sinopharm. Vaccine cũng hiệu quả với biến thể Alpha và Beta.
"Báo cáo kết luận khi gặp Delta và các biến thể khác, vaccine Sinopharm tạo mức kháng thể như người mắc bệnh tự nhiên. Điều này rất khả quan", giáo sư Malavige khẳng định.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra các loại vaccine sử dụng virus bất hoạt dường như có hiệu quả ngăn nguy cơ nhập viện cao hơn trong thực tế. Tại Chile, một nghiên cứu quy mô lớn cho thấy Sinovac của Trung Quốc hiệu quả 66% trong việc ngăn ca nhiễm có triệu chứng, nhưng có thể giảm nguy cơ nhập viện và tử vong lần lượt 85% và 80%. Nghiên cứu Sinopharm ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Sinovac ở Indonesia cho thấy hai loại vaccine này có thể ngăn nguy cơ nhập viện tới 90%.
Vaccine Sinopharm trên thế giới
Vaccine được triển khai ở 59 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời cung cấp vào cơ chế COVAX, hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận vaccine nhằm khống chế đại dịch.
Lãnh đạo của khoảng 30 quốc gia đã công khai tiêm BBIBP-CorV. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, 51 tuổi, nhận liều vaccine đầu tiên hồi tháng 4. "Tôi đã tiêm chủng, cảm thấy tuyệt vời", ông viết trên trang cá nhân.
Cơ quan Khoa học Y tế Singapore ngày 1/8 cho phép bệnh viện tư nhân nhập khẩu vaccine Covid-19 của Sinopharm để đẩy mạnh tiêm chủng phòng chống dịch.
Murat Akova, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm lâm sàng tại Đại học Hacettepe, Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh vaccine Trung Quốc là sự bổ sung cần thiết để giải quyết tình trạng thiếu hụt vaccine toàn cầu.
Ưu thế của vaccine bất hoạt là thời gian sản xuất và phân phối. Bên cạnh đó, việc bảo quản và vận chuyển cũng giản hơn. Nhiệt độ trữ vaccine không đạt mức "siêu lạnh" như yêu cầu mà Pfizer và Moderna đặt ra. Đây là ưu điểm rất lớn đối với những nước thu nhập thấp và vừa, cần phổ biến vaccine nhanh chóng và trên quy mô lớn để đảm bảo phát triển kinh tế.
"Nếu không còn lựa chọn tốt hơn, vaccine Trung Quốc vẫn là hướng đi khả quan", Akova nói.
Tranh cãi
Dù vậy, vaccine Sinopharm vấp phải một số tranh cãi. Tại Bahrain, vaccine cho kết quả hỗn độn, không ngăn chặn được đợt bùng phát mới. Gần 50% dân số đã tiêm phòng đầy đủ, song đất nước chứng kiến làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng nhất hồi tháng 6. Chính phủ phải phong tỏa toàn quốc 14 ngày để xử lý tình hình.
Thứ trưởng Y tế Waleed Khalifa al-Manea cho biết người trên 50 tuổi, mắc bệnh mạn tính hoặc béo phì, đã tiêm vaccine Sinopharm, được khuyến khích tiêm bổ sung vaccine Pfizer sau 6 tháng. Ông Manea trấn an dư luận rằng BBIBP-CorV, chiếm hơn 60% số người được tiêm tại nước này, vẫn tạo được lưới miễn dịch đáng tin cậy. Ông lưu ý rằng hơn 90% ca bệnh cần nhập viện thuộc diện chưa tiêm ngừa Covid-19.
Giống với Bahrain, một số nước quyết định tiêm bổ sung vaccine Pfizer sau hai liều Sinopharm. Điều này làm dấy lên lo ngại về độ hiệu quả của vaccine Trung Quốc.
Tuy nhiên, không chỉ Sinopharm, nhiều hãng dược cũng đề xuất tiêm liều vaccine thứ ba để kéo dài khả năng miễn dịch của người dùng. Dữ liệu cho thấy ba liều Pfizer giúp tăng 5 lần kháng thể chống Delta ở người độ tuổi 18-55. Nước Anh cũng vừa quyết định sẽ tiêm liều vaccine thứ ba cho khoảng 32 triệu người.
Đại học Oxford hôm 29/6 thông báo tiêm kết hợp hai loại vaccine của AstraZeneca và Pfizer sẽ tạo phản ứng miễn dịch mạnh hơn. Dữ liệu mới củng cố quyết định trộn lẫn các loại vaccine của một số nước châu Âu. Đây là lựa chọn thay thế sau hàng loạt tranh cãi liên quan đến chứng đông máu, giảm tiểu cầu ở người tiêm vaccine AstraZeneca.
Thục Linh (Theo Global Times, Xinhua, Strais Times, NY Times, Reuters)