Chưa đầy đủ số liệu về người được tiêm vắc xin
Chị M.T.H (P.Mỗ Lao, Q.Hà Đông, Hà Nội) cho biết đã đăng ký tiêm vắc xin cả ở cơ quan và ở phường. Công ty chị đăng ký tiêm vắc xin từ đầu tháng 6 với Bệnh viện Nhi TƯ và Sở Y tế, danh sách đăng ký khoảng 120 người, tuy nhiên, tới hiện tại chỉ được duyệt một đợt với 50 người (đã tiêm 2 mũi). Hiện tại, Bệnh viện Nhi TƯ thông báo không tiếp nhận thêm danh sách và khuyến cáo những người còn lại về đăng ký tiêm tại phường.
Một số đồng nghiệp của chị H. đã được tiêm, song nhiều người khác đăng ký tại các phường trên địa bàn nội thành vẫn đang phải chờ đợi. “Tôi đã đăng ký tiêm cùng chung cư tại P.Mỗ Lao từ giữa tháng 7, nhưng tới nay vẫn chưa thấy có thông báo lịch được tiêm”, chị H. cho hay.
Trên thực tế, rất nhiều người tại Hà Nội cũng đang chờ đợi đến lượt được tiêm vắc xin như chị H. Nếu so với TP.HCM, “độ phủ” vắc xin của Hà Nội hiện đang ở mức khá thấp.
Về tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 tại Hà Nội, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, vắc xin nhận về đều được phân bổ cho các bệnh viện (BV) thuộc sở, đơn vị tiêm chủng của thành phố. Các xã, phường tổ chức triển khai lập danh sách người tiêm, do các tổ dân phố thực hiện. Ngoài lượng vắc xin Covid-19 mà Sở Y tế Hà Nội tiếp nhận trực tiếp từ nguồn do Bộ Y tế phân bổ, trên địa bàn thành phố còn có các đơn vị tuyến T.Ư như BV: Việt Đức, Bạch Mai, Phổi T.Ư… cũng được Bộ Y tế phân bổ vắc xin Covid-19.
Các BV, Viện của T.Ư trên địa bàn thành phố cũng đã triển khai tiêm vắc xin cho nhân viên, người lao động của các công ty tại Hà Nội, tiêm chủng cho người dân Hà Nội. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện chỉ có thể nắm được đầy đủ thông tin tiêm chủng do các đơn vị thuộc Sở triển khai, từ nguồn vắc xin mà Hà Nội được tiếp nhận thực tế. Số liệu và tiến độ tiêm vắc xin đã được các đơn vị y tế của Hà Nội cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.
Hiện, Sở Y tế Hà Nội chưa có thông tin về số người dân tại thủ đô đã được tiêm chủng tại các đơn vị T.Ư. Nói cách khác, số liệu về tiêm chủng do các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội thống kê chưa phải là số thực tế người dân tại Hà Nội đã được tiêm vắc xin.
Hà Nội đã được phân bổ bao nhiêu vắc xin?
Theo thông tin trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia, số lượng dự kiến vắc xin được phân bổ cho Hà Nội là 11,37 triệu liều (dân số trên 18 tuổi là 5,74 triệu người). Số vắc xin đã phân bổ cho Hà Nội là 3,16 triệu liều. Số liều đã tiêm (thống kê tính đến 30.8) là 2,9 triệu liều.
Tuy nhiên, con số đã tiêm này đang "lệch" khoảng 700.000 liều so với con số thống kê từ phía Hà Nội.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến chiều 30.8, thành phố đã tiêm được tổng cộng 2,15 triệu mũi (1,96 triệu mũi 1 và 189.672 mũi 2) cho 2.154.399 người (26,1% dân số) và bằng 31% số người dân trong độ tuổi tiêm chủng.
Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, với phương châm "vắc xin về đến đâu tiêm ngay đến đó", nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm và độ phủ vắc xin, hiện Hà Nội đã triển khai tiêm trung bình 20.000 - 50.000 mũi tiêm/ngày; thậm chí, cao điểm lên tới hơn 70.000 mũi tiêm/ngày.
Theo Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, tỷ lệ tiêm chủng/vắc xin phân bổ thực tế của Hà Nội hiện cao nhất cả nước (91,75%), tức gần như có đến đâu tiêm hết đến đó. Số vắc xin đã được phân bổ của Hà Nội so với cả nước là 14,58%.
|
Nhanh chóng triển khai phủ rộng vắc xin
Đánh giá về nguy cơ lây lan phức tạp của một số ổ dịch như Thanh Xuân Trung tại Hà Nội hiện nay, nhóm nghiên cứu của TS - bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock tại Việt Nam, cho rằng một trong những biện pháp trọng tâm để Hà Nội có thể sớm kiểm soát được dịch là phải nhanh chóng triển khai phủ rộng vắc xin.
Theo đó, Hà Nội cần nhanh chóng dồn nguồn vắc xin hiện có cho toàn bộ người trên 50 tuổi, người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, bệnh thận mạn tính, bệnh hô hấp mạn tính, béo phì, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai. Ưu tiên vắc xin có thời gian chờ giữa 2 mũi ngắn để tạo nhanh miễn dịch, nhằm giảm tử vong và áp lực lên hệ thống y tế.
Theo chuyên gia này, một khi chưa bao phủ đủ vắc xin cho cộng đồng, Hà Nội vẫn sẽ phải tiếp tục giãn cách xã hội. Ngoài các ổ dịch nóng hiện tại, mặc dù số ca nhiễm chưa tăng đột biến nhưng bất cứ khu dân cư nào cũng có thể trở thành ổ dịch.
Để có thể nới lỏng được giãn cách, Hà Nội phải đạt được ít nhất 2 tiêu chí về độ bao phủ tiêm chủng và năng lực xét nghiệm, điều trị, y tế công cộng.