Là cán bộ của tập đoàn, những ngày cuối năm anh Trần Văn H (Hà Nội) phải tiếp khách rất nhiều. Đi dự tiệc nào anh cũng phải uống rượu cùng anh em cho hòa đồng, uống nhiều thành quen và khi đã uống thì khó dừng được. Vừa rồi, đi uống rượu về, tự nhiên anh thấy mệt, buồn nôn và nôn. Mặc dù vợ anh đã cho uống nước cam, chanh, đã giải rượu nhưng hôm sau anh vẫn mệt. Đi khám bác sĩ nói anh bị men gan tăng, xơ gan, tụt huyết áp do rượu.
Lời bàn: BS Nguyễn Thị Lan (Đồng Tâm, Hà Nội) cho biết, rượu và bia làm tăng gánh nặng cho gan nếu uống không có kiểm soát. Nhiều người nghĩ rằng, uống rượu tây, rượu có nguồn gốc xuất xứ, rượu thuốc thì không độc hại vì rượu thực chất làm từ lúa gạo, hoa quả nhưng không phải vậy. Khi rượu bia vào cơ thể, chỉ khoảng 10% lượng cồn được đào thải qua đường tiểu, mồ hôi và hơi thở, 90% còn lại sẽ đến thẳng gan. Tại đây, chất cồn từ bia rượu sẽ được tế bào gan xử lý, tiến hành quá trình khử độc. Với người thường xuyên uống rượu, lá gan đã yếu, khả năng xử lý có giới hạn, nếu nồng độ cồn trong máu càng cao thì thời gian xử lý càng lâu và càng làm suy yếu gan, gây tổn thương gan, viêm gan, xơ gan; tác động xấu đến hệ tiêu hóa, thần kinh. Mỗi người cần có ý thức không lạm dụng rượu, bia, nếu đã uống rượu bia thì nên định kỳ khám sức khỏe, chú ý kiểm tra men gan, tránh để các tác hại do rượu như viêm gan, suy gan dẫn đến hôn mê gan.
KM ghi