<p><strong>Những con số đáng giật mình</strong></p> <p>Theo các chuyên gia, hiện nay, mức độ <strong>tiêu thụ rượu bia</strong> tại Việt Nam đang ở mức báo động. Theo đó, năm 2010 có 70% nam giới và 6% nữ giới uống rượu. Đến năm 2015 con số này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới. Trong đó, có tới 44,2% nam giới và 1,2% nữ giới đang uống rượu, bia ở mức nguy hại.</p> <p>Báo cáo thống kê năm 2016 cho thấy, <strong>bình quân một người Việt Nam trên 15 tuổi (ở cả 2 giới) tiêu thụ khoảng 8,3 lít cồn nguyên chất</strong>, xếp ở vị trí 64/194 nước có mức tiêu thụru bia cao trên thế giới.</p> <div> <div><img alt="Mức độ tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam đang ở mức báo động. Ảnh: TL" src="https://khds.1cdn.vn/2018/11/12/ruou-bia-1541736567113494373435(1).png" /></div> <div> <p>Mức độ tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam đang ở mức báo động. Ảnh: TL</p> </div> </div> <p>Các báo cáo cũng chỉ ra rằng, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh hơn từ rượu. Năm 2017, Việt Nam tiêu thụ 305 triệu lít rượu và 4,1 tỷ lít bia và là nước tiêu thụ bia số 1 Đông Nam Á và thứ 3 Châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc.</p> <p>Các chuyên gia nhận định, sử dụng rượu, bia đang là trở ngại lớn trong việc đạt được 13 trong tổng số 17 mục tiêu và 52 chỉ tiêu phát triển bền vững. </p> <p>Các mục tiêu bị trở ngại cụ thể là: Xóa đói; xóa nghèo; đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi; đảm bảo giáo dục có chất lượng; bình đẳng giới; đảm bảo nước sạch và nguồn cung ứng nước; tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; giảm bất bình đẳng; đô thị và nông thôn bền vững; tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm; bảo vệ khí hậu; xã hội hòa bình và quan hệ đối tác toàn cầu.</p> <p><strong>Hệ lụy vô cùng xấu đối với sức khỏe</strong></p> <p>Gây trở ngại trong việc đạt được các mục tiêu vĩ mô nói chung, rượu, bia trước hết gây hệ lụy xấu trực tiếp đối với sức khỏe con người và ảnh hưởng đến an ninh xã hội. Việc <strong>sử dụng rượu bia</strong> là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỷ lệ <strong>tai nạn giao thông</strong> ở nam giới độ tuổi từ 15-49 (chiếm 36,2% ở nam giới, 0,7% ở nữ giới).</p> <p>Rượu bia còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân khi là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong số 15 yếu tố nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Theo nhiều nghiên cứu, khoảng 70% người dân Việt Nam đều ít nhiều chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của rượu, bia.</p> <p>Sử dụng rượu, bia có mối quan hệ nhân quả với 7 loại ung thư như: <i>Ung thư vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng... Bên cạnh đó, rượu, bia cũng có mối liên hệ với khoảng 30 loại ung thư khác nhau như tuỵ, máu, gây rối loạn chuyển hoá nguyên nhân gây ra các bệnh tiểu đường, mỡ máu, tăng huyết áp… ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.</i></p> <p><strong>Không có ngưỡng an toàn trong sử dụng rượu, bia</strong></p> <div> <div><img alt="Sử dụng rượu bia ảnh hưởng rất xấu đối với sức khỏe" src="https://khds.1cdn.vn/2018/11/12/ruou-1541737101873444554237.jpg" /></div> <div> <p>Sử dụng rượu bia ảnh hưởng rất xấu đối với sức khỏe</p> </div> </div> <p>Hiện nay, một số ý kiến cho rằng nếu uống bia thì ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế), đây là quan niệm không đúng bởi vì tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra, vì vậy tác hại do rượu, bia không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng ra sao).</p> <p>Tại Hội thảo về cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia và khuyến nghị của các Tổ chức phi chính phủ đối với Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 8/11, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu bia đang chịu rất nhiều tác động và chịu sự giằng xé quá lớn giữa lợi ích sức khỏe và lợi ích kinh tế.</p> <p>Theo ông Quang, trong khi thực tế không có một ngưỡng nào được coi là an toàn với bia rượu, thì nhiều người lại đang muốn thêm hai từ “lạm dụng” vào luật này. Điều này dẫn đến việc nhiều người sẽ hiểu rằng chỉ khi lạm dụng mới gây hại, nhưng thực tế, bia rượu không có ngưỡng gọi là an toàn.</p> <p>Chỉ cần vài chén rượu, nếu trong tình trạng “biêng biêng”, người sử dụng đã có thể gây tai nạn, nguy hiểm đối với bản thân và những người tham gia giao thông khác.</p> <p><strong>Phấn đấu giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030</strong></p> <p>Cũng theo ông Quang, trong kỳ họp lần thứ 70 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã cam kết đặt mục tiêu giảm 20-25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất đến năm 2030;</p> <p>Mục tiêu giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030. Tuy nhiên, việc đạt được các mục tiêu trên rất khó khăn nếu không có một hành lang pháp lý đủ mạnh để can thiệp nhằm phòng, chống tác hại của rượu, bia.</p> <p>Trước đó, tổ chức Y tế Thế giới đã từng đưa ra khuyến nghị mà Việt Nam nên tham khảo để quy định chặt chẽ hơn việc kiểm soát tiêu thụ rượu, bia thông qua các biện pháp: Tăng giá rượu bia; hạn chế sự có sẵn của rượu bia như điều tiết mật độ điểm bán rượu bia thông qua việc cấp phép chặt chẽ, hạn chế thời gian được bán rượu bia và quy định độ tuổi được phép mua hoặc sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ các nhãn hàng về sản xuất bia, rượu…</p> <p> </p>