Cùi dừa có thể ăn sống hoặc kho với thịt lợn, trứng ăn với bánh đa nướng rất ngon, có vị bùi, thơm và ngọt. Phụ nữ mang thai uống nước dừa rất tốt vì làm tăng lượng nước ối, dễ đẻ. Nước dừa còn được chế biến thành rượu khi ủ lên men. Nước dừa có tác dụng lợi tiểu, nếu vô trùng tốt có thể làm dịch truyền.
Theo số liệu nghiên cứu cho thấy, cứ 1 lít nước dừa tươi cho 4g protein, 48g gluxit, 20g axit hữu cơ, 4g chất khoáng và nhiều vitamin. Theo y học cổ truyền, nước dừa có vị ngọt, mát, tính bình, có tác dụng tiêu khát, thanh nhiệt, giải độc. Nếu đang mệt mỏi uống một cốc nước dừa thấy người khoan khoái dễ chịu, sức khỏe được phục hồi rất nhanh. Uống nước dừa tươi hàng ngày giúp tăng sức đề kháng, giảm cholesterol máu, cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ. Đặc biệt nước dừa còn có tác dụng điều hòa huyết áp. Tùy theo cơ địa, người huyết áp cao uống nước dừa sẽ xuống. Người huyết áp thấp uống nước dừa sẽ lên.
Qua các kiểm chứng cho thấy, nước dừa không có tác dụng phụ. Người thừa cân, béo phì, bên cạnh chế độ giảm calo và tập thể dục thường xuyên, uống nước dừa còn có tác dụng giảm cân một cách nhẹ nhàng, đơn giản. Hàng ngày uống nước dừa và ăn cùi dừa có tác dụng làm giảm cảm giác đói.
Tác dụng giảm béo của nước dừa thể hiện ở chỗ, 100g nước dừa chỉ cung cấp 2Kcalo, trong khi 100g cùi dừa cung cấp 41Kcalo, 100g gạo cung cấp 350Kcalo, vì vậy uống nước dừa có nạp calo nhưng không nhiều, từ đó hỗ trợ giảm cân. Dừa ngon và bổ, không có hóa chất độc hại.
BS Kim Ngân (Viện Châm cứu T.Ư)