Uống nhầm nước làm mát động cơ ô tô vì tưởng nước ngọt và bia

Ngộ độ nặng nước làm mát ô tô có thể gây suy thận, tổn thương não, tụt huyết áp và tử vong. Nếu phát hiện uống nhầm nước làm mát, ngay lập tức cần gây nôn, rửa dạ dày và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và xử lý kịp thời.

Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện TWQĐ 108 tiếp nhận một cặp vợ chồng nhập viện trong tình trạng hốt hoảng lo sợ do vừa uống nhầm nước làm mát động cơ ô tô.

Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó bệnh nhân được người quen cho 2 lon nước 1 màu xanh, 1 màu đỏ, không dặn dò thêm. Nhìn vỏ lon, hai vợ chồng nghĩ là bia và nước giải khát có ga nên buổi tối bỏ ra uống trong bữa cơm. Thấy loại nước không có mùi vị gì nên lúc này mới tra cứu trên mạng theo chữ trên vỏ lon, tá hoả khi biết đó là nước làm mát động cơ ô tô.

Hai người vội vàng đưa nhau đến Bệnh viện TWQĐ 108. Bệnh nhân được rửa dạ dày tại Khoa Cấp cứu và chuyển vào Trung tâm Hồi sức tích cực theo dõi. Nhờ phát hiện và xử trí kịp thời, hai bệnh nhân may mắn không có triệu chứng gì nghiêm trọng, xuất viện sau 3 ngày.

Đây là 1 hồi chuông báo động cho mọi người, trước khi ăn uống bất cứ thứ gì cần đọc kĩ nhãn mác, thành phần và công dụng để tránh những nhẫm lẫn đáng tiếc. Trong trường hợp này, lon nước có hình dạng và màu sắc nhãn mác khá giống lon Cocacola và bia, chữ viết trên lon hoàn toàn bằng tiếng Anh, không có nhãn phụ tiếng Việt nên dễ khiến người dùng nhầm lẫn đặc biệt là người già, trẻ em và hạn chế về ngoại ngữ.

Về mặt khoa học, loại nước này có thành phần chính là Ethylen glycol, một loại chất lỏng không màu, không mùi, vị ngọt có tác dụng làm mát và chống đông cứng dùng trong các động cơ đốt trong. Khi vào cơ thể nó sẽ phân tách thành acid glycolic và acid oxalic, gây nhiễm toan, tăng khoảng trống áp lực thẩm thấu máu, gây đau bụng, nôn mửa, nặng có thể suy thận, tổn thương não, tụt huyết áp và tử vong.

Nếu phát hiện uống nhầm nước làm mát, ngay lập tức cần gây nôn, rửa dạ dày và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và xử lý kịp thời. Nên mang theo lon nước đã uống để làm căn cứ cho chẩn đoán và xử trí sớm.

BSCKI Nguyễn Thị Huyền Trang (Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, Trung tâm Hồi sức tích cực

Theo Đời sống
back to top