Ứng xử khi con thi trượt vào lớp 10: Tuyệt đối tránh so sánh, chỉ trích

(khoahocdoisong.vn) - Khi thi trượt, bản thân đứa trẻ đã rất đau buồn. Điều bố mẹ cần tránh nhất là chỉ trích, so sánh con với bạn bè, khiến đứa trẻ cảm thấy mình là người bỏ đi, thậm chí có hành động dại dột.
Thí sinh Hà Nội đến điểm thi vào lớp 10 THPT trong cơn mưa giông tầm tã. Ảnh: KH&ĐS.

Thí sinh Hà Nội đến điểm thi vào lớp 10 THPT trong cơn mưa giông tầm tã. Ảnh: KH&ĐS.

Đặc biệt tránh so sánh với “con nhà người ta”

Những ngày qua, trên các diễn đàn ngập tràn những lời chúc mừng những thí sinh đã có điểm số rất cao trong các kỳ thi vào trường chuyên và kỳ thi vào lớp 10. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng không ít những chia sẻ đầy buồn bã, trĩu nặng về việc con đã không đạt được kết quả như mong muốn.

Ứng xử với con khi thi trượt thế nào là chủ đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Nhiều chia sẻ cho biết, cho đến tận bây giờ, khi đã trưởng thành, vẫn không quên được kỷ niệm ngày thi trượt đã bị bố mẹ mắng chửi  thế nào.

“Tôi vẫn nhớ như in ngày nhận kết quả trượt vào trường mà cả nhà cùng kỳ vọng tôi sẽ đỗ. Buổi chiều hôm ấy, chỉ cần nghe tiếng sập cửa đánh rầm khi mẹ đi làm về, là tôi đã biết mẹ giận dữ, thất vọng như thế nào. Những lời nói của mẹ: “Cùng nuôi ăn học, mày hãy ngẩng mặt lên mà nhìn, những đứa bạn mày thế nào, còn mày thế nào, phí công tao đưa đón, đổ bao tiền của vào mày" như nhát dao găm thẳng vào tim tôi. Dù rằng, giờ tôi đã thành công, và tôi vẫn luôn yêu mẹ, nhưng tôi luôn thấy đau đớn khi nghĩ lại kỷ niệm đó”, chị Nguyễn Thu Nga (Hà Nội) chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, kỳ vọng của bố mẹ là chính đáng, bố mẹ nào cũng có mong ước những điều tốt đẹp nhất đến với con. Nhưng cần phải hiểu, giữa kỳ vọng và năng lực của con là hai việc khác nhau, kỳ vọng nhưng phải phù hợp với năng lực, khả năng của con. Và đặc biệt, trong thời điểm con thi trượt, bố mẹ phải “kìm nén” kỳ vọng đó lại.

Bản thân đứa trẻ khi thi trượt cũng rất đau buồn rồi. Lúc này, điều đầu tiên là bố mẹ nên làm là chia sẻ và không đòi hỏi gì ở con. Bởi vì, kể cả có đòi hỏi thì con cũng không thể làm lại được nữa.

Bố mẹ nên hỏi con, xem kế hoạch tiếp theo của con là gì, ủng hộ, tạo điều kiện để con thực hiện kế hoạch đó.

Bố mẹ cần bình tĩnh, cùng con rút kinh nghiệm từ thất bại. Việc chọn một trường phù hợp với con lúc này là bài toán quan trọng nhất. Động viên con tiếp tục học. Tiếp cho con một ý chí, nghị lực, để con sẽ làm tốt hơn lần này.

Thực tế, mọi chỉ trích, chì chiết, mắng mỏ đều không có tác dụng gì, mà chỉ làm đứa trẻ tổn thương, làm cho con nhụt chí và phẫn uất. Đặc biệt là việc so sánh con với “con nhà người ta” khiến đứa trẻ sẽ cảm thấy mình kém cỏi, là con người bỏ đi, không được coi trọng.

Với những em có cá tính mạnh, giàu lòng tự trọng, các em sẽ phản ứng rất mạnh mẽ . Có em bỏ nhà đi, đi tìm việc khác, không cần bố mẹ. Với những em có tính cách yếu hơn, thì nỗi buồn sẽ giấu kín vào trong, dễ dẫn tới trầm cảm, và có những hành động dại dột, như tự tử...

“Bố mẹ không nên cho rằng, mình là bố mẹ thì có quyền làm bất cứ điều gì với con cũng được, trong đó có việc mắng chửi, chỉ trích con. Bố mẹ cần phải hiểu, tài sản lớn nhất của mình vẫn là con cái, phải chấp nhận con cái trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Nhất là trong hoàn cảnh gặp vấp ngã, thất bại thì hơn lúc nào hết, các con lại càng cần tới điểm tựa là bố mẹ, gia đình”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Trượt nguyện vọng vào trường công lập, nhiều gia đình đã có những phương án dự phòng, tìm cho con trường dân lập. TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, khi chọn trường cho con, phụ huynh cần có thông tin của trường mà con muốn vào. Có nhiều tiêu chí để lựa chọn, trong đó có một số tiêu chí có thể cân nhắc như trường gần nhà, đội ngũ giáo viên giảng dạy, chất lượng đào tạo ra sao, mức học phí…

Những thông tin này không nên qua quảng cáo mà nên tìm hiểu từ những phụ huynh có con đã học ở đó, những cựu học sinh thi sẽ có thông tin khách quan, đầy đủ.

Chỉ cần con đã nỗ lực hết sức…

Phụ huynh Hà Nội đứng dưới mưa chờ con trong kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2021.

Phụ huynh Hà Nội đứng dưới mưa chờ con trong kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2021.

Từng có kinh nghiệm nhiều năm chủ nhiệm lớp 9, ThS Đỗ Phương Nam, cô giáo Trường THCS Ngô Gia Tự, Hà Nội chia sẻ, trước mỗi kỳ thi, cô luôn dặn dò các học sinh: Các em cứ cố gắng hết mình. Khi đã cố gắng hết mình thì kết quả thế nào cũng không quan trọng, bởi mình đã làm hết khả năng của mình rồi. Từ đó, để học sinh có một tâm lý thoải mái nhất. Và khi các em sơ sẩy bị trượt cũng không quá nặng nề, áp lực.

Ngoài ra, cánh cửa này khép lại thì lại có cánh cửa khác mở ra, trượt trường công lập, các em còn có lựa chọn khác, đó là trường dân lập, hoặc học nghề. Thực tế, học sinh của cô, đã có những em khi trượt trường công lập rất buồn. Nhưng nghe cô tư vấn, giờ học ở trường dân lập, được thầy cô và các bạn tin yêu, các em đã lấy lại sự tự tin của mình.

“Tôi luôn động viên các em, đậu công lập thì tốt, nhưng không đậu thì học dân lập cũng không sao. Ba năm cấp 3 trôi nhanh lắm, mà hiện nay, nhiều trường dân lập chất lượng cũng rất tốt. Hơn nữa, bằng cấp tốt nghiệp THPT cấp 3 dân lập hay công lập cũng không khác nhau. Chỉ cần các em có nỗ lực, ý chí, thì dù ở môi trường nào, các em cũng vẫn có thể tập trung học, chọn khối phù hợp với khả năng để ôn thi, vào được đại học mà mình mong ước. Những em trượt, khi nghe điện thoại của cô giáo chủ nhiệm lập tức bình tâm lại”, cô Nam chia sẻ.

Theo cô Nam, vai trò của phụ huynh trong việc ổn định tâm lý của học sinh rất lớn. Chính vì thế, riêng kỳ 2 năm lớp 9 có tới 4 buổi họp phụ huynh.

Trong các buổi họp, giáo viên chủ nhiệm luôn kể cho phụ huynh nghe những câu chuyện từ thực tế các học sinh từ những kỳ thi trước, để phụ huynh hiểu: thi cử đôi khi còn là yếu tố may mắn, không ai nói trước được điều gì.

Giáo viên luôn dặn dò phụ huynh, khi các con nhận điểm thi thật thì dù kết quả thế nào cũng luôn đồng hành, ở bên động viên con. Tuyệt đối không chỉ trích, so sánh con với bạn bè. Bởi trong lúc này, người chịu khủng hoảng tâm lý lớn nhất chính là con, chứ không phải bố mẹ.

Phụ huynh cũng phải là người chủ động chuẩn bị các phương án phòng xa cho con để không bị động, lúng túng khi kết quả không như mong muốn. Và khi có sự chủ động, thì tâm lý cũng sẽ không bị khủng hoảng cho cả bố mẹ và con.

Theo Đời sống
back to top