Tràn dịch màng bụng, màng phổi, màng tim và xâm nhập màng não ác tính ít gặp ở giai đoạn sớm của các bệnh ung thư mà thường biểu hiện khi bệnh lan tràn với tiên lượng chung xấu, nhất là khi tràn dịch màng tim, màng não có thể dẫn đến mất chức năng, tàn tật và tử vong. Vì vậy, cần nhận biết sớm để can thiệp kịp thời cũng như chăm sóc giảm đau cho bệnh nhân.
Mặc dù có khoảng 5 – 10% bệnh nhân tử vong với bệnh ung thư di căn tới tim hoặc màng ngoài tim nhưng chỉ có rất ít bệnh nhân có tràn dịch màng ngoài tim có triệu chứng. Đặc biệt, tràn dịch màng ngoài tim ác tính có thể gây chèn ép tim cấp và tử vong. Các ung thư hay gặp nhất có thể gây tràn dịch màng ngoài tim là ung thư biểu mô của phổi và vú, u lympho và u hắc tố ác tính.
Bệnh nhân bị chèn ép tim tiến triển có thể biểu hiện với các triệu chứng trầm trọng khác nhau như vô cùng bồn chồn, khó thở thường xuyên hoặc khó thở khi nằm, đau ngực trái hoặc đau vùng thượng vị, ho và nói khàn. Khi thăm khám, bệnh nhân thường có tĩnh mạch cổ nổi, phù toàn thân, nhịp tim nhanh, tiếng tim mờ, mỏm tim bị đẩy ra ngoài, huyết áp tâm thu giảm, mạch chìm, mạch nghịch đảo. Bệnh nhân cũng có thể thở nhanh và có tiếng cọ ngoài màng tim. Siêu âm tim giúp khẳng định chẩn đoán và cho biết các thông tin quan trọng về vị trí, mức độ tràn dịch trong màng ngoài tim.
Điều trị tăng thể tích và hỗ trợ vận mạch tiến hành khi thấy cần thiết để duy trì huyết áp và đảm bảo duy trì đủ oxy. Chọc hút dịch dưới siêu âm tim và theo dõi huyết áp được thực hiện trong những tình huống cấp cứu.
Trường hợp bệnh nhân ổn định hoặc tràn dịch không có ép tim, nên chọc hút dịch màng ngoài tim dưới hướng dẫn của siêu âm hai chiều để giảm bớt đáng kể nguy cơ các biến chứng của thủ thuật như rách cơ tim, loạn nhịp tim, tràn khí màng phổi.
Điều trị hóa chất toàn thân với các phác đồ chuẩn sau khi chọc tháo dịch màng ngoài tim là biện pháp có thể thực thi ở các trường hợp ung thư mới chẩn đoán, có khả năng đáp ứng với hóa chất như các u lympho ác tính. Sử dụng hóa chất bơm vào màng ngoài tim hoặc hóa trị toàn thân hoặc xạ trị có thể kiểm soát tràn dịch trong ít nhất 30 ngày ở 60 – 70% trường hợp.
Phẫu thuật tạo cửa sổ màng tim có thể cần thiết và có hiệu quả trong vài tháng. Tuy nhiên, phương pháp không được đề nghị trừ khi các phương pháp đơn giản hơn bị thất bại.
GS.TS Nguyễn Bá Đức (Nguyên giám đốc Bệnh viện K)