Sự ân hận muộn màng
Chị Nguyễn Thị Phương, Hà Nội không thể đứng vững được khi được bác sĩ thông báo con chị bị UTG do viêm gan virus B. Chị ân hận vì không xét nghiệm viêm gan B và không tiêm văcxin cho con ngay sau sinh. Còn chàng thanh niên 20 tuổi đành phải từ bỏ ước mơ du học khi cuộc sống của cậu được giờ phải đếm ngược.
BS Trịnh Thế Cường, Khoa Ung bướu, Bệnh viện E cho biết, gần đây qua thăm khám gặp rất nhiều bệnh nhân UTG độ tuổi rất trẻ, 15 - 20 tuổi. Đa phần nguyên nhân là do nhiễm viêm gan B từ mẹ từ khi mới sinh.
GS.TS.TTND Nguyễn Văn Mùi, Chủ tịch Viết phác đồ điều trị viêm gan B áp dụng toàn quốc cho biết, hiện UTG đứng hàng đầu trong các loại ung thư ở Việt Nam, vượt qua ung thư phổi, đứng thứ 5 thế giới về tỷ lệ mắc với khoảng 25.000 trường hợp mắc mới và 25.000 ca tử vong do mỗi năm. Viêm gan B, C là nguyên nhân hàng đầu gây UTG, ước tính có đến 90% người UTG có mang virus viêm gan B.
Trước đây, UTG thường gặp ở người 50 – 60 tuổi, hiện gặp nhiều cả lứa tuổi 20 – 30. Điều đáng nói là hầu hết bệnh nhân đi khám trong tình trạng muộn, rất ít người còn cơ hội nhập viện cứu chữa (chưa đến 1/3), hầu hết được trả về hoặc chỉ còn điều trị triệu chứng giúp giảm đau.
Tầm soát và điều trị sớm để tránh ung thư cho con
GS.TS.TTND Nguyễn Văn Mùi, viêm gan B có đường lây nhiễm giống với HIV nhưng khả năng lây lan của HBV được đánh giá là cao gấp 50- 100 lần virus HIV nếu không có biện pháp phòng ngừa. Điều đáng nói là, căn bệnh này hiện chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Các phác đồ điều trị hiện nay chỉ có thể ngăn ngừa sự nhân lên của virus, ngăn chặn nguy cơ biến chứng thành xơ gan, UTG.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết, tỷ lệ mang virus viêm gan B ở phụ nữ có thai từ 10 - 16% và ở trẻ em là 2 - 6%. Lây truyền virus từ mẹ sang trẻ trong giai đoạn mang thai rất ít ( không quá 2%), chủ yếu vào thời gian sinh đẻ. Nếu mẹ bị nhiễm có virus viêm gan B và E thì 90% trẻ sẽ bị lây truyền. Trẻ sơ sinh bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sẽ có nguy cơ trở thành bệnh mạn tính là 90% và khoảng 25% trong số đó sẽ chết vì UTG và xơ gan.
Việc tiêm văcxin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50 - 57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.
BS Trịnh Thế Cường cho biết, nguy cơ UTG giảm đáng kể khi các bà mẹ được sàng lọc viêm gan B, tiêm văcxin cho tất cả các trẻ sơ sinh và sử dụng globulin miễn dịch dự phòng. Vì vậy, tất cả các bà bầu nên làm xét nghiệm viêm gan virus B ở lần đầu tiên khám thai. Nếu dương tính nên khám tại chuyên khoa truyền nhiễm, gan mật hoặc khoa sản để theo dõi và điều trị trong giai đoạn mang thai và sau khi sinh cho cả mẹ và con để phòng tránh xơ gan và UTG.
Các chuyên gia cảnh báo, UTG là bệnh trầm trọng, diễn biến nhanh, khó chữa tiên lượng rất xấu, trong khi đó bệnh ở giai đoạn sớm hầu như không có triệu chứng, khi phát hiện ra thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Chẳng hạn, đau bụng vùng hạ sườn trái là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh thì là do khối u đã lớn.
Bởi vậy, chiến lược lâu dài để chống UTG là tầm soát phát hiện sớm ung thư, đẩy lùi viêm gan virus - tác nhân chính gây bệnh. Đặc biệt, đối với những người bệnh bị viêm gan B, C cần được điều trị tích cực và theo dõi chặt chẽ. Tốt nhất nên khám bệnh từ 3 - 6 tháng/lần để tầm soát, phát hiện sớm UTG.