Tuy nhiên, Bloomberg lại ước tính, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đạt 9,1 tỷ USD.
Trước đó, ngày 22/8/2019, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng lên mức kỷ lục, lần đầu tiên vượt ngưỡng 10 tỷ USD vào ngày 22/8/2019 khi giá cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup đạt mức cao kỷ lục 126.100 đồng/cp (tính theo giá điều chỉnh).
Tiết lộ trong một bài phỏng vấn mới đây trên hãng tin Bloomberg, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết sẽ chi 2 tỷ USD tài sản cá nhân để đầu tư vào dự án Vinfast và sẽ xuất khẩu ô tô điện sang Mỹ trong vòng 2 năm tới. Tỷ phú số 1 Việt Nam sẽ bán 10% cổ phần Vingroup để thực hiện tham vọng to lớn này.
Ông Vượng cho biết, mục tiêu cuối cùng là tạo ra một thương hiệu quốc tế. Đó sẽ là một quá trình khó khăn nhưng cũng là con đường duy nhất để tiến về phía trước.
Vingroup hiện là doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam với vốn hóa đỉnh điểm đạt 422.000 tỷ đồng (tương đương 18,1 tỷ USD) và thuộc top đầu trong khu vực.
Mới đây (ngày 3/12), Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan thỏa thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. Theo nội dung thỏa thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Thỏa thuận này được đánh giá là "bước ngoặt" với Vingroup. Theo các chuyên gia kinh tế, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ có nguồn để tập trung vào những mảng kinh doanh chiến lược là công nghệ và công nghiệp (mà ở đây là sản xuất ô tô - xe máy).