<div> <p>Chiều nay (14/1), Tập đoàn Vingroup bất ngờ công bố chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không, “đóng cửa” hãng bay Vinpearl Air khi thời gian dự kiến cất cánh khai thác bay thương mại chỉ còn 6 tháng nữa.</p> <p>Nói về lí do rút khỏi lĩnh vực hàng không, ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup - cho biết: “Thị trường Hàng không Việt Nam rất tiềm năng và đang phát triển mạnh, nhưng cũng có các công ty lớn đang tham gia. Việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, đồng thời chúng tôi cũng cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng công nghệ - công nghiệp của mình, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui”.</p> <p>Theo lãnh tập đoàn này, đây là bước đi nhất quán trong việc tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp của Vingroup, quyết định nói trên cũng không ảnh hưởng đến mảng đào tạo phi công do Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không VinAviation đảm nhiệm.</p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “đóng cửa” hãng bay, Cục Hàng không Việt Nam nói gì? - 1" data-original="https://icdn.dantri.com.vn/2019/12/31/sieu-may-bay-1-1577764933324.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2019/12/25/sieu-may-bay-1-1577764933324.jpg" title="Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “đóng cửa” hãng bay, Cục Hàng không Việt Nam nói gì? - 1" /> <figcaption>Tỷ phú Phạm Nhật Vượng trước đó trình dự án hàng không Vinpearl Air với tổng vốn đầu tư lên tới 4.700 tỷ đồng</figcaption> </figure> <p>Chiều cùng ngày, trao đổi với <em>PV Dân trí</em>, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết Cục đã nghe thông tin này nhưng chưa nhận được văn bản chính thức nào về việc hãng bay Vinpearl Air đóng cửa và rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không.</p> <p>“Cũng đáng tiếc khi Vinpearl Air không tham gia thị trường hàng không thời gian tới. Nhiều người đã kỳ vọng Vinpearl Air sẽ tạo ra sự bứt phá như Vietjet đã từng làm khi tham gia thị trường hàng không và sự cạnh tranh giữa các hãng sẽ mang tới những mới mẻ trong phân khúc hàng không truyền thống. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp thay đổi chiến lược kinh doanh là việc rất bình thường, đó là quyền của họ” - lãnh đạo Cục Hàng không nói.</p> <p>Trong thông báo của Vingroup đưa ra chiều nay, tập đoàn này lí giải rằng thị trường hàng không Việt Nam có các công ty lớn đang tham gia và việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội.</p> <p>Trên thực tế, ngoài Vinpearl Air thì những hãng bay đang “xếp hàng” chờ Thủ tướng phê duyệt dự án kinh doanh hàng không là KiteAir và Vietravel Airlines. Nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng Vingroup đã đạt được thỏa thuận và “nhường suất” kinh doanh hàng không cho một đơn vị nào đó?</p> <p>Về việc này, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thông tin: “Việc nhường suất là khó, bởi Vinpearl Air đăng ký đầu tư dự án theo mô hình hãng hàng không truyền thống, Vietravel Airlines đăng ký mô hình bay thuê chuyến và phục vụ cho hoạt động lữ hành, KiteAir có định hướng là hãng hàng không chi phí thấp”.</p> <p>Cũng theo vị này, thị trường hàng không vẫn rất tiềm năng và nhiều cơ hội kinh doanh với các doanh nghiệp. Vinpearl Air “đóng cửa” thì sẽ có những hãng mới ra đời, những hãng bay hiện tại như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways sẽ thêm cơ hội mở rộng hoạt động, tăng trưởng cao hơn...</p> <p>“Nhà nước luôn mở cửa chào đón và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp tham gia kinh doanh hàng không. Là Vingroup hay bất kỳ doanh nghiệp nào thì cơ hội đều có vì thị trường hàng không còn nhiều tiềm năng” - lãnh đạo Cục Hàng không cho biết thêm.</p> <div> <p>Tập đoàn Vingroup thành lập Công ty CP Hàng không Vinpearl Air vào tháng 7/2019, đăng ký đầu tư dự án theo mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hãng hàng không truyền thống và chi phí thấp.</p> <p>Cuối tháng 12/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt dự án hàng không Vinpearl Air với tổng vốn đầu tư lên tới 4.700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, chiếm 27,66% tổng vốn đầu tư; vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác là 3.400 tỷ đồng, chiếm 72,34%.</p> <p>Nếu được Thủ tướng phê duyệt, Vinpearl Air dự kiến khai thác bay thương mại trong tháng 7/2020 với quy mô 6 tàu bay trong năm đầu tiên. Dự án Vinpearl Air có thời gian hoàn vốn trong 5 - 6 năm và dự kiến bắt đầu có lãi từ năm 2023. </p> </div> <p> </p> </div> <p> </p>