Từ kết quả khảo sát ảnh hưởng qua 3 tháng ảnh hưởng dịch Covid-19, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đã ghi nhận về tình hình tiêm vaccine tại doanh nghiệp trên địa bàn 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Đến cuối tháng 8 vừa qua, tỷ lệ lao động tại các doanh nghiệp ĐBSCL được tiêm vaccine đều ở mức khá thấp. Cụ thể mới có hơn 23% doanh nghiệp có tỷ lệ từ 80% số lao động được tiêm vaccine; khoảng 18% doanh nghiệp có từ 50 - 80% số lao động và 23% doanh nghiệp có 50% lao động được tiêm vaccine. Đặc biệt gần 20% số doanh nghiệp mới được tiêm cho 10% lao động đang làm việc.
Một số địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine cho người lao động, công nhân trong vùng như Cà Mau hơn 70.000 lao động, Long An với số lượng là 64.000 lao động, kế đến là Trà Vinh với trên 30.000 lao động, Cần Thơ 27.000 lao động, thấp nhất là tỉnh Bạc Liêu với 300 lao động…
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng ý kiến ghi nhận từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy tỷ lệ tiêm vaccine hiện nay cho người lao động còn quá thấp để có thể an tâm tái sản xuất kinh doanh. Vaccine rất cần cho các lĩnh vực ngành nghề như giao nhận, vận tải, thương lái, công nhân trực tiếp sản xuất, khu vực đông lao động, ngành dễ nhiễm bệnh như chế biến thủy hải sản... rất cần được tiêm nhưng tỷ lệ còn khiêm tốn.
Chính vì vậy, việc tăng cường nguồn tiêm vaccine cho người lao động tại các doanh nghiệp là yêu cầu đặt ra hiện nay. Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp vùng ĐBSCL cũng kiến nghị các địa phương cần có chính sách hoặc quy định cụ thể cho người lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine sau 14 ngày được xem là giấy thông hành để được đi lại làm việc từ nhà tới công ty; tài xế di chuyển giữa các quận, huyện để thu mua nông sản cho nông dân, khơi thông hàng hóa, có hướng đi mới cho doanh nghiệp. Kinh tế địa phương với ngành chế biến nông sản là chính, mỗi tỉnh có chuỗi chủ lực, để cho không ngắt giữa các tỉnh, nên tiêm vaccine theo các chuỗi ngành./.