<div> <ul class="list-news hidden" data-campaign="Box-Related"> <li data-id="4102518"> <h3 style="text-align: justify;"><span><a class="count_cmt" href="https://vnexpress.net/loan-gia-bao-hiem-xe-may-4101284.html#box_comment_vne" style="white-space: nowrap; display: none;"><svg class="ic ic-comment"><use _xlink3a_href="#Comment-Reg"></use></svg></a></span></h3> </li> </ul> <p style="text-align: justify;">Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2019 tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc là 829 tỷ đồng, số tiền đã bồi thường là 50 tỷ. Như vậy, tỷ lệ bồi thường trên tổng doanh thu là 6%. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục cho biết đây chỉ là số liệu thống kê ban đầu, sẽ rà soát lại và cập nhật sớm.</p> <p style="text-align: justify;">Ông Trần Nguyên Đán, Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính đánh giá mức này thấp nhất nếu so với tỷ lệ bồi thường 40-70% của các loại bảo hiểm phi nhân thọ khác. "Nếu thấp do ít tai nạn thì đáng mừng, nhưng nếu do người dân không nhận được bồi thường thì rất đáng buồn", ông nói.</p> <p style="text-align: justify;">Với tỷ lệ bồi thường chỉ dưới 10%, biên lợi nhuận cao nên thực tế một số công ty bảo hiểm đang chi trả mức hoa hồng cho tổng đại lý lên tới 50%-60%, vượt quá mức tối đa 20% như Bộ Tài chính quy định.</p> <p style="text-align: justify;">"Để cạnh tranh thị phần, thay vì tìm cách nâng cao quyền lợi cho người mua thì các doanh nghiệp đã đẩy hoa hồng bán lên tới một nửa giá trị bảo hiểm để thu hút người bán" ông Đán lý giải.</p> <p style="text-align: justify;">Trên thực tế, tổng đại lý được trả mức chiết khấu cao nên sau khi nhận "ấn chỉ" - tệp giấy chứng nhận bảo hiểm, về thì đưa cho những người bán F1, F2 - không có nghiệp vụ và không được đào tạo bài bản đi bán. Đó là lý do tại sao có tình trạng tràn lan người bán bảo hiểm ngồi dọc vỉa hè không tư vấn đầy đủ cho người mua. Vậy nên mới có chuyện nhiều người mua nhưng thậm chí không phân biệt được bảo hiểm bắt buộc khác gì với bảo hiểm tự nguyện. Họ không được tư vấn cụ thể về quyền lợi cũng như phải làm sao để được bảo hiểm khi tai nạn xảy ra mà chủ yếu mua để đối phó.</p> <p style="text-align: justify;">Theo ông Đán, việc mua bảo hiểm là cần thiết để người gặp tai nạn được bồi thường, đặc biệt khi chủ xe là người nghèo không có điều kiện chi trả. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm có rất nhiều sai sót ngay từ khâu bán và có vấn đề ở khâu xử lý bồi thường khiến cho loại bảo hiểm này không đi vào thực tế.</p> <p style="text-align: justify;">Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng thừa nhận, mức trách nhiệm bồi thường hiện nay chưa theo kịp với chi phí gia tăng của dịch vụ y tế, sửa chữa phương tiện. Phí bảo hiểm được niêm yết nhưng chưa phản ánh đúng rủi ro của từng người, không dựa trên lịch sử tai nạn, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện. </p> <p style="text-align: justify;">Về quy trình bồi thường bảo hiểm, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết tuỳ từng mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn mà có hướng xử lý khác nhau. Tuy nhiên, động thái đầu tiên là người dân cần gọi đến tổng đài doanh nghiệp và báo cáo về vụ tai nạn để họ có hướng xử lý và hướng dẫn cho chủ xe.</p> <p style="text-align: justify;">Với các vụ tai nạn không quá nghiêm trọng (ước tính thiệt hại dưới 10 triệu đồng), chủ xe không nhất thiết phải gọi công an mà có thể chụp ảnh hiện trường, nhờ người làm chứng. Khi vụ tai nạn nghiêm trọng (đồng nghĩa với mức bồi thường lớn) thì nhất thiết phải có giám định hiện trường của công an để xác minh đúng vụ tai nạn, tránh trục lợi.</p> <p style="text-align: justify;">Ông Đán cho rằng, không nên mượn cớ chống trục lợi để ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi. Theo ông, doanh nghiệp bảo hiểm chưa có sự chủ động trong việc xử lý khi tai nạn xảy ra. Đơn vị bảo hiểm với cương vị là người bán phải có cơ chế để hỗ trợ người dân thu thập giấy tờ, hồ sơ phù hợp. Trong trường hợp công an không lập biên bản thì phải có sự xuất hiện của nhân viên giám định bằng cách có mặt trực tiếp một cách nhanh chóng, nếu điều kiện không cho phép thì có thể dùng cách khác.</p> <p style="text-align: justify;"> </p> <p style="text-align: justify;"> </p> </div> <p style="text-align: justify;"> </p>