Tuyến mồ hôi cũng có thể ung thư và di căn

Tuy là bệnh hiếm gặp nhưng khi mắc ung thư tuyến mồ hôi lại rất nguy hiểm, có khả năng xâm lấn ra mô xung quanh và di căn nhiều nơi. Bệnh khó chẩn đoán, điều trị và dễ tái phát.

U xuất hiện hơn 70 năm

Mới đây, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ 74 tuổi, đến khám với một khối u xuất hiện tại da đầu vùng chẩm.

Theo lời bệnh nhân kể, tổn thương xuất hiện từ nhỏ với kích thước tương đương đầu ngón tay. Khoảng 6-7 năm nay, tổn thương tăng kích thước nhanh, biến đổi hình thái kèm loét rỉ dịch. Bệnh nhân chưa từng điều trị trước đó.

Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ hướng tới một tổn thương không lành tính. Bệnh nhân được làm một số xét nghiệm trong đó có xét nghiệm mô bệnh học nhằm chẩn đoán xác định bản chất khối u.

Kết quả giải phẫu bệnh kết hợp nhuộm hóa mô miễn dịch phù hợp với ung thư tuyến mồ hôi (Eccrine Porocarcinoma). Bệnh nhân được hoàn thiện các xét nghiệm cơ bản, đánh giá mức độ xâm lấn của khối u trước khi tiến hành phẫu thuật.

Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt rộng và tạo hình tổn khuyết bằng phương pháp ghép da. Sau phẫu thuật, bệnh nhân toàn trạng ổn định, được ra viện và tái khám theo dõi hàng tháng.

Khối u tuyến mồ hôi trên đầu bệnh nhân - Ảnh BVCC

Khối u tuyến mồ hôi trên đầu bệnh nhân - Ảnh BVCC

Bệnh khiến giới chuyên môn đau đầu vì khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị

Theo bác sĩ Vũ Thu Dung, Bệnh viện Da Liễu Trung ương, ung thư tuyến mồ hôi là bệnh hiếm gặp nhưng khi mắc bệnh lại rất nguy hiểm. Bệnh có liên quan đến tia cực tím (UV), khi tia này tiếp xúc với phần da gây ra hiện tượng suy giảm miễn dịch của da nơi tiếp xúc.

Bác sĩ Dung phân tích, mồ hôi là 1 dung dịch điện giải loãng bao gồm nước ( 99% ), natri clorur, kali, bicarbonat, canxi, mage, lactat, amoniac và ure. Tuyến mồ hôi dưới da rất cần thiết trong việc giữ cho nhiệt độ cơ thể luôn ổn định. Cấu trúc tuyến mồ hôi hình ống cuộn lại giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của con người.

Để duy trì thân nhiệt, cơ thể sẽ tiết ra mồ hôi trong môi trường nóng hoặc khi hoạt động thể chất. Khi nước trong mồ hôi bay hơi, bề mặt da sẽ nguội đi. Khi phát hiện sự gia tăng nhiệt độ, mồ hôi được tiết ra để làm mát da và nhiệt độ bên trong cơ thể. Vì vậy, tuyến mồ hôi rất cần thiết trong việc giữ cho nhiệt độ cơ thể luôn ổn định.

Trung bình, mỗi người có 2,6 triệu tuyến mồ hôi. Lượng mồ hôi tập trung nhiều nhất ở đôi chân. Nơi này có khoảng 250.000 tuyến mồ hôi, tiết ra khoảng 0,3 lít mồ hôi mỗi ngày.

Ung thư tuyến mồ hôi là một loại bệnh lý do sự phát triển quá mức và mất kiểm soát của tuyến mồ hôi, có khả năng xâm lấn ra mô xung quanh và di căn.

U tuyến mồ hôi trên mũi - Ảnh BVCC

U tuyến mồ hôi trên mũi - Ảnh BVCC

Ung thư tuyến mồ hôi xuất phát từ những cấu trúc phần phụ của da, ban đầu là những nốt nhỏ, diễn tiến rất chậm trong thời gian dài rồi đột ngột gia tăng kích thước. Không có hình ảnh đặc trưng nào giúp xác định chẩn đoán, chỉ đến khi các khối u trên cơ thể bệnh nhân có hiện tượng chảy máu, tiết dịch thì triệu chứng mới rõ ràng.

Đa phần các trường hợp được phát hiện đều xuất hiện một cục cứng trong da, nằm ở vị trí vùng đầu, mặt, cổ, cẳng chân, đùi phải hoặc đùi trái và vai cánh tay....

Tổn thương trên lâm sàng là một khối bướu kích thước nhỏ dưới da, không đối xứng, giới hạn không rõ ràng, sượng cứng, xâm nhiễm ra da, bề mặt da sẫm màu hoặc có màu hồng.Tổn thương có thể có giãn mạch xung quanh hoặc loét trên bề mặt.

Ung thư tuyến mồ hôi là một bệnh lí hiếm gặp, chiếm khoảng 0,05% các loại ung thư da. Ung thư tuyến eccrine nguyên phát chiếm 0,01% ung thư da. Độ tuổi hay gặp bệnh lý ung thư tuyến mồ hôi là từ 50-70 tuổi. Biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu.

Ban đầu khối bướu có thể nhỏ, không đáng quan tâm, nhưng càng về sau bướu lớn dần, xâm chiếm vào mô, xương, gây đau nhức dữ dội cho bệnh nhân.

Nam giới thường mắc bệnh nhiều hơn nữ. Khi mắc ung thư tuyến mồ hôi người bệnh dễ bị di căn rất nhanh đến hạch bạch huyết. Các hạch này thường không gây đau đớn thế nên chỉ đến khi thấy hạch nổi ở vùng nách, cổ thì người bệnh mới đến khám, lúc này bệnh ở giai đoạn muộn. Gan, phổi hay xương là những vị trí thường bị di căn nhiều nhất.

Ung thư tuyến mồ hôi là bệnh khiến giới chuyên môn đau đầu vì khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị.

Phương pháp điều trị ung thư tuyến mồ hôi hiệu quả nhất là phẫu thuật, nhất là với những trường hợp chưa bị di căn. Để tiên lượng diễn tiến bệnh, thông thường bác sĩ sẽ dựa vào các yếu tố liên quan như kích thước bướu, loại mô học, tình trạng di căn hạch hoặc di căn xa, song thực tế điều này cũng rất khó…

Ung thư tuyến mồ hôi thường khó được chẩn đoán hay chẩn đoán không đúng nếu chỉ dựa vào lâm sàng và phải xác định qua mẫu mô sinh thiết từ bướu hay hạch di căn. Sau phẫu thuật bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ và đều đặn nhằm phát hiện sự tái phát hoặc sự xuất hiện một ung thư da khác. Ngoài ra việc chẩn đoán sớm là cực kì quan trọng nhằm hạn chế mức độ xâm lấn của khối u.

Để phòng ngừa cần có chế độ sinh hoạt điều độ, chọn nhiều rau quả, vitamin, bổ sung đủ nước hàng ngày duy trì sức khỏe, sức đề kháng cho làn da. Rèn luyện sức khỏe thường xuyên với các môn thể thao phù hợp.

Hạn chế các dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê.

Nên đeo khẩu trang khi ra đường, trời nắng nóng phải mặc áo chống nắng, đeo kính. Hạn chế đi dưới ánh nắng từ khoảng 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều; giảm hấp thụ bức xạ bằng cách mặc quần áo sáng màu khi đi dưới trời nắng.

Khi nhận thấy trên da xuất hiện những u nhỏ, hoặc có thay đổi bất thường nào đó, người bệnh nên đến khám tại các trung tâm chuyên khoa ung bướu để được chẩn đoán kịp thời.

Theo Đời sống
back to top