<div> <p>Kỳ họp thứ 11 HĐND <span>Hà Nội</span> chiều 5/12 nóng lên với phần chất vấn dành cho Giám đốc Công an Hà Nội với những vấn đề liên quan đến phòng, chống tội phạm.</p> <p>Đại biểu Duy Hoàng Dương phản ánh về tình trạng người tâm thần giết người, hành hung, gây thương tích và đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cùng giải pháp ngăn chặn.</p> <p>Trong khi đó, đại biểu Đoàn Việt Cường chất vấn việc ngày càng nhiều đối tượng hình sự là người ngoại tỉnh gây trọng án ở Hà Nội, điển hình là vụ việc giết xe ôm trên địa bàn Bắc Từ Liêm...</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Tuong Khuong: Dua het ngao da o Ha Noi vao trai cai nghien truoc Tet hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/11/07/khuong.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an Hà Nội. Ảnh: <em>Quỳnh Hương.</em></td> </tr> </tbody> </table> <h3>Thiếu hành lang pháp lý </h3> <p>Đề cập đến tình trạng người ngáo đá gây án, trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an Hà Nội - cho hay hiện TP có khoảng 257 đối tượng. Nhấn mạnh công an Hà Nội phấn đấu trước Tết Nguyên đán phải đưa hết số này vào trại cai nghiện, song ông thừa nhận việc đưa những người ngáo đá vào cai nghiên trong hành lang pháp lý như hiện nay rất khó khăn. Chỉ có gia đình tự nguyện đưa đi mới được.</p> <p>"Tôi yêu cầu Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống ma tuý 4h chiều hàng ngày phải nhắn tin cho tôi số lượng lên xuống của các đối tượng ngáo đá. Chính số này gây ra nhiều vụ án, có thể nói là thảm án không chỉ với người dân xung quanh và ngay cả với thân nhân gia đình", ông Khương nói.</p> <p>Liên quan đến người tâm thần gây án, ông Khương cho rằng, muốn đưa vào điều trị phải có kinh phí. Chính quyền cũng không có đủ tiền để làm từ thiện, trong khi đó, nhiều gia đình không đủ điều kiện vật chất, bệnh viện không đủ điều kiện đảm bảo.</p> <p>Tướng công an đề nghị HĐND thành phố tính đến khoản kinh phí để đảm bảo cho người dân có được cuộc sống trong an toàn.</p> <p>Về tội phạm hình sự là người ngoại tỉnh, theo ông Khương, Hà Nội và TP.HCM thu hút nhiều người dân ở nơi khác về học tập, sinh sống, kéo theo tội phạm cũng về đông.</p> <p>“Trong quy định của Bộ Công an, người khi di chuyển về Hà Nội đều có sự phối hợp theo dõi chặt chẽ nếu có tiền án, tiền sự. Còn chưa có tiền án tiền sự thì phải nắm hộ, nắm người thông qua tạm trú tạm vắng”, ông Khương nói.</p> <h3>Thủ đoạn chống phá tinh vi hơn</h3> <p>Trước đó, báo cáo về tình hình, kết quả công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thủ đô năm 2019, Giám đốc Công an Hà Nội cho biết vừa qua tình hình an ninh trật tự nổi lên một số diễn biến mới.</p> <p>Đặc biệt, những phương thức, thủ đoạn, hoạt động chống phá tinh vi, xảo quyệt và nguy hiểm hơn của các thế lực thù địch...</p> <p>Bên cạnh đó, dù đã được các cấp, ngành quan tâm xem xét, giải quyết nhưng tình hình khiếu kiện vẫn tiềm ẩn phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.</p> <p>Đáng chú ý, hiện đã hình thành nhóm tổ chức cầm đầu khiếu kiện, chỉ đạo kích động tập trung đông người, phản đối chủ đầu tư, chính quyền; dựng lều lán, có hành động quá khích ngăn cản việc thi công dự án, chống đối lực lượng chức năng.</p> <p>Về vấn đề kỷ luật, tướng Khương nhấn mạnh việc kiên quyết xử lý nghiêm, đưa ra khỏi lực lượng các trường hợp suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, có hành vi vi phạm pháp luật. Trong năm, công an TP đã xử lý kỷ luật 79 trường hợp, rà soát, tinh giản biê<a href="https://news.zing.vn/tuong-khuong-dua-het-ngao-da-o-ha-noi-vao-trai-cai-nghien-truoc-tet-post1021689.html">n chế 65 trường hợp</a>.</p> </div> <p> </p>