Sau khi o Hoa – mối tình đầu của anh hi sinh, Khoái vào Sài Gòn hoạt động cách mạng và bị bắt tù đày tại nhà lao Tử Phủ. Sau một thời gian, Khoái tổ chức cho các anh em cộng sản vượt ngục và lập được nhiều chiến công. 18 tuổi, Khoái đã được phong hàm trung úy, cử ra Bắc học tập. Năm 1974, Khoái tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nghĩa hiệp hại thân
Khoái được phân công làm việc tại Cty lắp máy Hà Nội trên đường Hoàng Hoa Thám, cuộc sống của một cán bộ nhà nước có trình độ như Khoái sẽ “xuôi chèo mát mái” nếu không một ngày ra tay nghĩa hiệp.
Khoái “đù” nhớ lại thời tung hoành những năm 80.
Một đêm, Khoái ngủ lại nhà của một người bạn thân tên là Trần Quý. Không ngờ rằng, mấy hôm trước Quý có ăn trộm một số thứ nơi công sở đem về chờ bán góp tiền cho vợ đẻ. Tinh mơ sáng hôm sau, thấy công an ập vào, Khoái hiểu vấn đề mới bảo Quý: “Vợ mày sắp đẻ, ở nhà mà chăm sóc, tao đi tù thay, rồi có ngày tao sẽ trở lại”.
Vì Khoái không biết bạn lấy thứ gì nên khi ra tòa, những lời khai của Khoái không khớp vụ việc. Tòa án không xử Khoái tội trộm cắp mà tuyên phạt 12 tháng tù giam vì tội bao che và làm khó người thi hành công vụ.
Hành động nghĩa hiệp ấy đã hại nửa cuộc đời Khoái sau này. Nhưng ít ai biết rằng, trước đó ít ngày, Khoái đã làm lễ ăn hỏi với một cô gái tên Thái xinh đẹp, hiền dịu với ước mộng có một gia đình hạnh phúc. Thế nhưng, như anh vẫn bảo: “Cái số phải thế, một phút và nửa đời người”.
Sau thời gian cải tạo, Khoái vác balo đến công ty làm việc. Nhưng sự đời trớ trêu, người ta nhìn Khoái với con mắt của một kẻ “tội đồ” đáng nguyền rủa. Họ đuổi Khoái đi như đuổi hủi, đến mâm cơm chén tạc chén thù cũng không ai thèm ngồi với Khoái, chỉ mình anh một mâm, ăn xong thì đứng dậy. Không được xã hội chấp nhận, quẫn chí Khoái bỏ đi lang bạt khắp nơi…
Lên “ngôi” tướng cướp
Bẵng đi một thời gian, không ai còn nhớ đến Khoái, cũng không ai nghĩ đến Khoái dù mảy may như cơn gió thoảng. Thay vào đó, người ta kinh hãi khi nghe danh tướng cướp khét tiếng Khoái “đù”. Những tay anh chị cộm cán có số má trên giang hồ cũng mười phần kiêng nể trước sự liều lĩnh khét tiếng của tướng cướp ấy.
Khoái “đù” và một người thầy.
Có điều, người ta hay ví Khoái “đù” với Tống Giang, Tiều Cái trong tiểu thuyết Thủy Hử của Thi Nại Am bên Trung Quốc. Bởi đơn giản, Khoái “đù” chỉ đi cướp của những tên tướng cướp khét tiếng khác. Khoái đặt “luật” cho đàn em: Không đứa nào được phép cướp dù là một sợi chỉ của dân nghèo. Đứa nào phạm luật sẽ bị trừng trị, bị tiêu diệt.
Càng vào sâu câu chuyện, tướng cướp khét tiếng Khoái “đù” càng hiện nên là nhân vật bí hiểm. Chiếc gạt tàn trên bàn đã đầy ắp tóp thuốc, nhưng Khoái vẫn miên man trong làn khói như để tỉnh táo và giấu giếm một phần đời không đáng nhớ.
Khoái bảo, giang hồ hiểm ác, cướp lại của những tên cướp không hề đơn giản. Muốn thắng phải là kẻ mạnh, phải liễu lĩnh, một sống mười chết. “Chơi với giang hồ, đao kiếm đi trước, lời nói theo sau”, và trong những trận tử chiến với giang hồ, Khoái luôn chửi thề giọng Huế: “Đù má”. Và biệt danh Khoái “đù” được ghép hoàn chỉnh cho một “thương hiệu” giết chóc.
Khoái “đù” vẫn nhớ như in những trận cướp bóc khi thâu tóm giang hồ phía Bắc. Những tướng cướp khét tiếng, lừng danh đất cảng như Thành “sến”, Quý “đầu lâu” ở Hà Nội đều nhanh chóng quy phục “núp” dưới chướng Khoái “đù”. Chỉ có Hậu “cốc” và Thông “sóc” Nam Định thì chưa tâm phục khẩu phục. Địa bàn hoạt động của 2 tướng giang hồ này kéo dài từ ga Nam Định đến đường 9 Nam Lào.
“Để diệt hai tên này, tôi phải dùng kỹ thuật tác chiến của dân biệt động. Cho người trinh sát nắm rõ địa bàn và đường đi nước bước của chúng. Sau đó cho quân ém lại những nơi hiểm yếu, vừa đánh du kích vừa đánh giáp mặt”. Trong những trận chém giết ấy, Khoái “đù” kinh nghiệm: “Đã không chém thì thôi, đã chém phải chém cụt chân lìa tay. Tuy nhiên, sau mỗi trận, đàn em mình bị thương tật cũng không ít”.
Xong trận thu phục Thông “sóc”, ở Lạng Sơn lại nổi lên tướng cướp cộm cán là Từ “thủ đô”. “Thằng này trước ở Đại học Y Hà Nội. Nó liều lĩnh, muốn làm những “quả” lớn nhanh giàu nên đám đàn em của nó đông lắm. Tôi phải tổ chức cho anh em dàn quân, diệt từng thằng một, đập từ đầu Lạng Sơn đến các huyện thị. Khi vào đến động Tam Thanh, tôi hất hàm bảo Từ: Anh lên đây xin chú 3 nghìn, nghe chú làm ăn tốt, anh lên thăm là chính, muốn xin ít quà về cho các em nó chơi”.
Từ “thủ đô” rất từ tốn mời Khoái “đù” ngồi uống bia. Bia vừa chạm cốc đã bay tới mặt Khoái. Nhanh như cắt, Khoái xoay người, cốc bia bay ra cửa động. Chiếc ghế Khoái ngồi được hất lên cao, Khoái “đù” tung người đá chiếc ghế vào người Từ. Từ choáng váng, đàn em bâu lại xốc lên rồi lao vào chém Khoái túi bụi. Tiếng dao kiếm chát chúa, khét lẹt, tiếng người la ó inh tai. Một lúc sau, hơn chục tên nằm rạp trên những vũng máu, Khoái ‘đù” bình thản nhấc ghế uống cạn cốc bia. Sau đó, cho đàn em nhét đầy một balo tiền rồi rút quân.
“Vua trốn tù”
Tuy là một tướng cướp khét tiếng nhưng không ít lần, Khoái “đù” phải ngậm ngùi tra tay vào còng. Khoái nhẩm tính: “Tôi không nhớ đích xác nhưng quản giáo bảo tôi ở tù hơn 17 năm với 41 lần trốn trại”.
Phải cực giỏi võ, Khoái “đù” mới dám đi cướp của những tên cướp.
Từng là biệt động vượt ngục Mỹ – Ngụy, lại là tướng cướp khét tiếng tinh ranh nên 17 năm ở tù, Khoái “đù” đã dùng đủ mọi cách trốn trại, những cách ấy đúng là “rạch trời xuống đất”.
Khoái “đù” có thể cưa đứt cùm sắt chỉ bằng một sợi chỉ nhỏ. Hàng ngày, Khoái nhổ bọt xuống đất lăn sợi chỉ vào cát tạo ma sát. Cứ thế, mấy năm kéo cưa lừa xẻ, cưa đứt cả thanh sắt phi 16 lúc nào không hay. Hằng ngày, để tránh bị lộ, Khoái “đù” lấy ghét bám trên người bít vào vết cưa qua mắt quản giáo.
Có hôm mẹ ốm “vua trốn tù” lại mất tích nửa tháng rồi lù lù dẫn xác về xin cải tạo. Dăm bữa nửa tháng, Khoái “đù” lại biến mất. Giám thị tá hỏa, thì ra trong mỗi bữa cơm, Khoái đều lấy một nhúm muối đem về thả vào song sắt cho han gỉ rồi kéo cưa lừa xẻ.
“Cách trốn trại tôi không dám nói nhiều, nó khủng khiếp và ly kỳ hơn những gì anh tưởng. Còn nhiều chuyện hay nhưng khuya rồi, mai tôi kể tiếp”, Khoái “đù” dập điếu thuốc cháy dở, đặt mình xuống giường chợp mắt.
“Tôi còn khoét tường, ôm chăn chiên trườn qua hàng rào thép gai mà chạy. Cứ thế 41 lần trốn ra lại bị bắt. Ông Nguyễn Ba Tơ khi còn làm Giám thị trại giam Phú Sơn 4 (Cục V26) khi tiếp nhận tôi còn hỏi: Anh còn định trốn nữa không? Tôi trả lời: Dạ, còn tùy, vui thì ở, buồn thì trốn”.
Trần Hòa