Tưởng cúm thông thường, không ngờ nguy kịch do viêm phổi nặng

Thời tiết trở lạnh, độ ẩm trong không khí thấp làm suy yếu hệ thống miễn dịch dẫn đến cơ thể dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp và tiến triển nhanh thành suy hô hấp có thể đe doạ tính mạng... nên cần chú ý.

Ho, sốt thông thường biến chứng suy hô hấp nguy kịch

Ở nhà có biểu hiện sốt, ho nghĩ cảm cúm thông thường có thể tự khỏi, người bệnh sau thời gian điều trị tại nhà phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị viêm phổi nặng trên nền nhiều bệnh lý phối hợp. Với sự nỗ lực của nhiều chuyên khoa, đến nay sức khỏe người bệnh ổn định và được xuất viện.

Đó là trường hợp người bệnh bệnh Lê Trọng Phùng 66 tuổi (Trưng Vương – Uông Bí, Quảng Ninh) nhập viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí trong tình trạng ho, sốt, khó thở, trên phim chụp Xquang phổi có hình ảnh tổn thương đông đặc 2 bên phổi.

Đánh giá đây là một ca viêm phổi nặng trên nền bệnh lý đái tháo đường, suy giáp có nguy cơ tiến triển suy hô hấp mức độ nguy kịch. Ngay lập tức, các bác sĩ triển khai các kỹ thuật cao như thở máy, lọc máu liên tục, nội soi phế quản tại giường, sử dụng kháng sinh kết hợp cho người bệnh.

Với phương pháp điều trị phối hợp, khống chế nguy cơ, sau 5 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh cải thiện tốt và được ngừng lọc máu liên tục. Hiện sau gần 3 tuần điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định và đã xuất viện.

Sức khỏe người bệnh ổn định và đã được xuất viện - Ảnh BVCC

Sức khỏe người bệnh ổn định và đã được xuất viện - Ảnh BVCC

Theo BSCKI. Phạm Thanh Tùng, Phó trưởng khoa hồi sức tích cực nội cho biết: Viêm phổi cấp tính là một tình trạng nguy hiểm, đe dọa tính mạng và yêu cầu can thiệp y tế cấp cứu. Đặc biệt đối với những ca nặng, việc điều trị sớm và áp dụng các phương pháp hiện đại có thể quyết định ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Qua đây, các bác sĩ bệnh viện khuyến cáo: Thời tiết trở lạnh độ ẩm trong không khí thấp làm suy yếu hệ thống miễn dịch dẫn đến cơ thể dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp và tiến triển nhanh thành suy hô hấp có thể đe doạ tính mạng đặc biệt trên nền người bệnh cao tuổi, nhiều bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận, suy giáp, suy tim….

Do đó khi có các triệu chứng như sốt cao, đau ngực, ho đờm khó thở… Cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời.

Viêm phổi là bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, đúng cách. Vì vậy, việc nhận biết sớm căn bệnh này là vô cùng quan trọng.

Nhận biết dấu hiệu sớm để chữa trị kịp thời

Các chuyên gia cho biết, viêm phổi (Pneumonia) là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi kèm theo sản xuất dịch tiết trong phế nang, bao gồm viêm phế nang, ống và túi phế nang, tiểu phế quản hoặc viêm tổ chức kẽ của phổi. Bệnh xảy ra do các tác nhân vi khuẩn, virus nấm và một số tác nhân khác, nhưng không bao gồm trực khuẩn lao.

Viêm phổi thường xảy ra ở một thùy phổi, nhưng có thể gây tổn thương nhiều thùy khi vi khuẩn lây lan theo đường phế quản. Tình trạng viêm có thể lan đến màng phổi, màng tim. Viêm phổi có thể gây bệnh nhẹ hoặc nặng tùy vào tác nhân gây bệnh, độ tuổi và sức khỏe tổng thể. Bệnh nặng thường xảy ra ở người lớn tuổi, trẻ em, người bị ức chế hoặc suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền kèm theo.

Viêm phổi có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn. Đây là một bệnh phổ biến trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến khoảng 450 triệu người mỗi năm, và cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Tỷ lệ tử vong cao nhất là ở trẻ em (<5 tuổi) và người lớn tuổi (> 75 tuổi).

Biểu hiện của viêm phổi - Ảnh minh họa

Biểu hiện của viêm phổi - Ảnh minh họa

Bệnh khởi phát đột ngột hoặc từ từ với các biểu hiện sau:

– Ho: Là triệu chứng xuất hiện sớm, ho thành cơn, hoặc ho húng hắng, thường là ho có đờm, một số trường hợp ho khan. Trường hợp điển hình đờm có màu rỉ sắt, các trường hợp khác đờm có màu vàng hoặc màu xanh, đôi khi khạc đờm như mủ, đờm có thể có mùi hôi, thối.

– Đau ngực: Đau ngực vùng tổn thương, đau ít hoặc nhiều, có trường hợp đau rất dữ dội.

– Khó thở: Viêm phổi nhẹ không có khó thở, những trường hợp nặng bệnh nhân thường thở nhanh nông, có thể có co kéo cơ hô hấp.

– Sốt: Sốt thành cơn hay sốt liên tục cả ngày, kèm theo rét run hoặc không. Nhiệt độ có thể lên tới 40 - 41 độ C, có những trường hợp chỉ sốt nhẹ 38 - 38,5 độ C, những trường hợp này thường xảy ra ở những bệnh nhân có sức đề kháng giảm nhiều như: Suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ, có các bệnh mạn tính kèm theo.

– Da nóng, đỏ thường thấy ở những bệnh nhân sốt cao, khi xuất hiện dấu hiệu tím môi, đầu chi, chứng tỏ đã có suy hô hấp.

– Môi khô, một số trường hợp có herpes hoặc ban xuất huyết trên da, lưỡi bẩn, hơi thở hôi. Bệnh nhân thường mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, có thể có đau đầu, đau mỏi người ở những trường hợp viêm phổi do virus M. Pneumoniae…

– Trường hợp nặng hoặc những trường hợp viêm phổi ở trẻ em có thể có thể có rối loạn ý thức.

Khi có những triệu chứng nghi ngờ bị viêm phổi, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh ngay từ sớm.

Không được tự ý mua thuốc uống ở nhà, dẫn tới việc đến bệnh viện khi đã quá muộn, để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ về sử dụng thuốc, chế độ nghỉ ngơi và ăn uống.

Theo Đời sống
back to top