Bé Nguyễn Thành (12 tuổi, Hà Nội) đang ngoan ngoãn bỗng nhiên học hành sút kém, không chú ý nghe giảng và gây gổ với bạn bè. Nhiều ngày bé lấy cớ mệt để không đến trường. Bố mẹ cứ nghĩ con trái tính, trái nết tuổi vị thành niên nên chỉ trách mắng, khuyên bảo... Nhưng càng ngày biểu hiện của bé càng nặng và khi có ý định tự tử, gia đình đưa đến viện khám thì mới hay bé bị rối loạn tâm thần nặng.
Lời bàn: GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho hay, trẻ em phát triển tâm sinh lý chưa hoàn thiện nên dễ gặp những rối loạn tuổi học đường. Nếu không phát hiện, can thiệp sớm đúng cách sẽ để lại hậu quả vô cùng to lớn, học hành sút kém, rối loạn hành vi và rối loạn về tâm thần.
Năm 2019, Bệnh viện Nhi T.Ư có tiến hành một cuộc khảo sát với 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại Hưng Yên cho thấy, thấy tỷ lệ trầm cảm với các mức độ khác nhau ở Hà Nội là 31,3% và Hưng Yên là 18,6%; Tỷ lệ lo âu tại Hà Nội là 42,6% và Hưng Yên là 36,5%; Tỷ lệ trẻ stress tại Hà Nội là 38,8% và Hưng Yên là 21,8%.
Nhiều gia đình khi đưa con đến khám đều cho rằng các cháu không có vấn đề gì nghiêm trọng, nhưng thực tế, hầu hết các ca đến khám tại viện đều ở trong tình trạng mắc các rối loạn vừa và nặng. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý để phát hiện và cho con đi khám sớm để được điều trị.