1/2 bệnh nhân bị ung thư mà không có dấu hiệu
Tuyến ức nằm trong lồng ngực, phía dưới xương ức. Đây là cơ quan quan trọng để tạo ra hệ miễn dịch. U tuyến ức là thể bệnh thường gặp khoảng 15/100.000 dân, thuộc loại ung thư ở vùng trung thất trước trải từ cổ họng tới trước tim, chiếm 30% trường hợp các u trung thất trước ở người lớn và 15% ở trẻ em. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ ngang nhau, có thể gặp ở cả trẻ em và người nhà, tuổi hay gặp nhất từ 50 – 69 đối với u tuyến ức không có biểu hiện nhược cơ.
Ung thư tuyến ức thường có tiên lượng tốt khi được chẩn đoán sớm nhưng bệnh nhân mắc bệnh thường không có triệu chứng nên rất khó phát hiện. Hầu hết các loại bệnh ung thư tuyến ức vẫn chưa được xác định rõ yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh. Có tới gần 1/2 bệnh nhân không hề có biểu hiện gì và chỉ được phát hiện một cách tình cờ trong lần chụp X-quang lồng ngực.
Khi khối u xâm lấn và chèn ép vào các bộ phận trong trung thất sẽ gây ra dấu hiệu ho, đau tức ngực và khó thở. Một số triệu chứng khác gồm: khó nuốt, khan giọng, ho ra máu, giảm tiết mồ hôi ở phần bị tổn thương, sụp mí, co đồng tử, sốt và giảm cân, loạn nhịp tim...Hội chứng chèn tĩnh mạch vùng cổ khiến mặt bị sưng nề do máu từ đầu từ tim bị cản trở.
Dễ nhầm sang bệnh thần kinh
U tuyến ức dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh thần kinh bởi biểu hiện nhược cơ (liên quan đến cơ chế tự miễn). Biểu hiện nhược cơ toàn thân thấy trên 70% trường hợp, 30% còn lại chỉ có biểu hiện nhược cơ vận động nhãn cầu. Khoảng 50% bệnh nhân bị nhược cơ như sụp mí, nhược cơ vùng cổ, nhược cơ ngực khi kiểm tra có thể phát hiện ra ung thư tuyến ức.
Ngoài ra, 50% bệnh nhân ung thư tuyến ức được phát hiện do có các bệnh như bị thiếu máu hồng cầu, niêm mạc nhợt nhạt, da xanh xao…Tình trạng giảm gamma globulin huyết cũng là nguyên nhân làm tăng độ mẫn cảm với các tác nhân gây nên bệnh. Người mắc bệnh thấp khớp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm da cơ xương khớp, viêm cơ tim, viêm loét đại trực tràng, viêm tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp… cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến ức cao hơn những người khác. Có thể gặp các biểu hiện rối loạn nội tiết như cường tuyến giáp, cận giáp, thiểu năng tuyến giáp…
Giai đoạn I, II u tuyến ức không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt, giai đoạn III, IV biểu hiện các triệu chứng do u xâm lấn và chèn ép vào các tổ chức trung thất như: hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên, liệt yếu dây thần kinh hoành do u xâm lấn gây khó thở dẫn đến giảm vận động cơ hoành cùng bên. Khi xâm lấn khoang màng phổi có biểu hiện tràn dịch màng phổi… Đó chính là lý do, bệnh thường bị chẩn đoán nhầm.
U tuyến ức có tiên lượng tốt, nhất là khi phát hiện ở giai đoạn sớm. Tất cả các trường hợp u tuyến ức đều có khả năng xâm lấn nên phải được xem là ác tính. Phương pháp điều trị bao gồm: Phẫu thuật, xạ trị, hóa chất được áp dụng đơn thuần hoặc phối hợp tùy theo giai đoạn bệnh. Sau khi cắt tuyến ức, các biểu hiện nhược cơ giảm, tuy nhiên tỷ lệ mất hoàn toàn triệu chứng này cao nhất là 63%.
Giai đoạn II, III trở nên sau phẫu thuật được chỉ định tia xạ hoặc hóa chất hay kết hợp. Tiên lượng sống thêm sau 5 năm ở giai đoạn I, II là: 90 – 95%; III< 50% và IV là< 10%.