Giáo sư tự phong chưa được kiểm định
Năm 2012, ông Lê Vinh Danh với tư cách là thành viên Ban Giám hiệu trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. HCM) đã làm đơn đề nghị Khoa Quản trị kinh doanh tiến hành làm thủ tục, quy trình để nhà trường bổ nhiệm ông Danh vào chức danh Giáo sư với lý do ông Danh đã được Đại học Presston, Albama, Hoa Kỳ công nhận và bổ nhiệm hàm Giáo sư kinh tế từ năm 2007 vì đã tham gia giảng dạy và hướng dẫn Nghiên cứu sinh cho trường này tại Singapore.
Tuy nhiên, Trường Presston University là một trường đầy “tai tiếng” ở Hoa Kỳ, từng bị nhiều bang của Mỹ từ chối công nhận do không đáp ứng được các yêu cầu đối với một cơ sở giáo dục.
Cụ thể, ngày 22/3/2007, cơ quan quản lý giáo dục Bang Wyoming, Mỹ đã gửi đến trường Presston University yêu cầu tự nguyện đóng cửa vào 31/3/2007. Ngày 20/7/2009, Văn phòng Chưởng lý Wyoming gửi thông báo yêu cầu chấm dứt hoạt động đến trường Preston University.
Văn bản của cơ quan quản lý Giáo dục Hoa Kỳ khẳng định trường Preston University không đạt chuẩn |
Tại các bang như Alabama và California, trường Presston do ông Henry Haenisch là Hiệu trưởng cũng liên tục bị từ chối công nhận và yêu cầu đóng cửa.
Thông tin ở bang Alabama và Wyoming |
Với những lý do trên khi trả lời về nội dung liên quan đến chức danh Giáo sư “tự phong” của ông Lê Vinh Danh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Lê Hải An đã có văn bản 2554 ngày 13/6/2019 khẳng định: “Trường Đại học Preston không được kiểm định chất lượng giáo dục bởi cơ quan có thẩm quyền về chất lượng tại Hoa Kỳ”.
Điều đó cũng có nghĩa, ông Lê Vinh Danh chưa từng là Giáo sư của một trường đại học đủ tiêu chuẩn của nước Mỹ.
|
Do có cấp phong Giáo sư (chưa được thừa nhận từ Mỹ) nên ông Danh vận dụng “kẽ hở” của pháp luật đề nghị xét phong Giáo sư không qua thi tuyển theo khoản 1, Điều 22 Thông tư số 16/2009 của Bộ GDĐT và tự cho là mình đã đủ điều kiện.
Nhưng rõ ràng, điều kiện tiên quyết ban đầu phải “đạt chuẩn chức danh GS, PGS hoặc được bổ nhiệm làm GS, PGS tại một cơ sở giáo dục đại học nước ngoài” của ông Danh đã không được thừa nhận.
Hồ sơ bất minh
Không chỉ học hàm Giáo sư của “thầy” Vinh Danh đang bị giới khoa học đàm tiếu, ngay cả hồ sơ lý lịch của “thầy” cũng có nhiều điểm bất minh cần phải xem xét tính trung thực.
Theo lý lịch khoa học, do chính “thầy” Lê Vinh Danh khai ngày 25/4/1996 thì ông Danh sinh ngày 30/11/1957, nguyên quán Long Thành - Đồng Nai, nơi sinh Quảng Ngãi. Ngành học: Kinh tế học vĩ mô. Chuyên môn: Tiền tệ - ngân hàng.
Ngày 23/1/1996, quyết định công nhận nghiên cứu sinh và người hướng dẫn của Bộ GDĐT cũng ghi rõ ông Danh sinh năm 1957, là nghiên cứu sinh tại Viện Kinh tế Thế giới với hình thức đào tạo: ngắn hạn. Bằng Phó tiến sĩ Khoa học do Bộ trưởng GD ĐT Trần Hồng Quân cấp theo đề nghị của Hội đồng đánh giá luận án Khoa học ngày 27/ T11/1996 cũng ghi ông Lê Vinh Danh sinh ngày 30/11/1957.
Bằng cấp của ông Danh ghi rõ sinh năm 1957 |
Bằng Thạc sĩ Kinh tế của ông Danh được cấp theo đề nghị của Trường Đại học Tổng hợp TP HCM ngày 20/6/1996 cũng ghi ông Danh sinh ngày 30/11/1957.
Như vậy là cùng thời điểm năm 2016 ông Lê Vinh Danh vừa làm Thạc sĩ Kinh tế vừa trở thành Phó Tiến sĩ Kinh tế chuyên ngành Tiền tệ - Ngân hàng?
Đặc biệt, cả quá trình học tập công tác, trong mọi bằng cấp từ thạc sĩ, tiến sĩ… ông Lê Vinh Danh đều khai hồ sơ sinh năm 1957. Nếu đúng theo tuổi bằng cấp thì hiện tại ông Lê Vinh Danh đã “nghỉ” làm công chức lãnh đạo được 2 năm. Vậy tại sao đến thời điểm này mọi thông tin hồ sơ của “Giáo sư” Lê Vinh Danh đều được đổi thành sinh năm 1963. Sai lệch năm sinh có thể kéo dài thời gian làm lãnh đạo của ông Danh thêm 6 năm, liệu có ở trong chủ ý sắp đặt của “thầy”?
Hồ sơ cán bộ công chức lại ghi ông Danh sinh năm 1963 |
Để làm rõ những khúc mắc nêu trên, phóng viên đã liên hệ trực tiếp với Giáo sư, Tiến sĩ, Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng Lê Vinh Danh nhưng ông từ chối trả lời. Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là “Tuổi nào cho giáo sư Vinh Danh”?