Ông đánh giá thế nào về Báo KH&ĐS trong những năm qua?
Báo KH&ĐS trong những năm qua có nhiều tiến bộ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc và được đọc giả rất hoan nghênh.
Xuất phát từ tờ báo Khoa học Thường thức (sau đổi thành Báo KH&ĐS) đến nay báo vẫn duy trì được phổ cập kiến thức cho bạn đọc và ngày nay báo đã trở thành cầu nối rất quan trọng giữa các Nhà khoa học với các Nhà sản xuất, nhà doanh nghiệp và nhà quản lý theo đúng chủ trương của Nhà nước, góp phần vào việc phát triển kinh tế- xã hội của nước ta.
Trong tình hình bùng nổ thông tin như hiện nay, báo vẫn duy trì và phát triển tốt là một thắng lợi lớn. Để được như vậy, phải nói là có sự cố gắng, sáng tạo, năng động và nhiệt tình của tập thể anh, chị, em phóng viên của báo.
Nhà báo Vũ Ngọc Dũng (thứ 2 từ bên trái qua) trong một lần về thăm CQTT. |
Trong thời kỳ còn là phóng viên, ông có những kỷ niệm nào đẹp về báo Khoa Học & Đời Sống?
Có chứ, có rất nhiều kỷ niệm đẹp, tôi xin chia sẻ một vài kỷ niệm:
Vào dịp cuối năm âm lịch (năm 1980), để chuẩn bị cho số báo tết, nhiều anh, em phóng viên sẳn sang ở lại cơ quan vào buổi tối để cùng nhau làm việc, trao đổi rất hào hứng với mục đích làm sao để tờ báo Xuân ra mắt bạn đọc được tốt nhất. Trời se lạnh, mỗi khi nghỉ giải lao, anh, em lại quay quần bên ấm trà và đĩa khoai luộc -rất vui.
Có những buổi đi thăm các cơ sở sản xuất để viết bài. Đường xa, có lúc phải đi xe đạp cả trăm cây số, không có hàng quán, phải vào nhà dân nhờ mua quả trứng nấu cơm ăn. Vất vả là thế đấy, nhưng rất vui.
Nhà báo Bùi Hương - Trưởng CQTT Báo KH&ĐS tại TPHCM tri ân Nhà báo Vũ Ngọc Dũng nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2019. |
Sau khi nghỉ ở báo ông đã làm gì?
Nước ta có bờ biển chạy dài hàng trăm km, với diện tích mặt nước biển hàng triệu km. Tuy nhiên, việc tận dụng mặt nước biển còn rất hạn chế. Vì vậy, đã đến lúc cần đặt vấn đề nghiên cứu kinh tế biển, trong đó nghiên cứu “Nông nghiệp biển” là rất quan trọng. Muốn phát triển nông nghiệp biển phải tạo mặt bằng (đảo nổi) trên biển.
Với suy nghĩ đó, sau khi nghỉ ở báo tôi đã thành lập Liên hiệp khoa học và công nghệ phát triển nông thôn, thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Tôi đã cùng một số nhà khoa học nghiên cứu và sản xuất bê tông nổi. Với những khối bê tông này, có thể lắp ghép thành những đảo nổi to, nhỏ theo ý muốn.
Trên đảo nổi đó, có thể phục vụ: Chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng nhà máy chế biến, kho hàng cung cấp vật tư phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ, nơi tránh bão, bảo vệ chủ quyền…Liệu ý nghĩ đó có được thực hiện hay không? Thôi thì “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
Xin cảm ơn ông!