Nhóm sinh viên gồm: Nông Văn Phước và Đặng Nguyễn Xuân Trọng đã chế ra quy trình sản xuất túi nilon có khả năng chịu lực cao, chống thấm, phân hủy trong vòng 30 ngày, thậm chí có thể… ăn được. Nông Văn Phước, trưởng nhóm sáng chế này cho biết, nhóm không đặt mục tiêu thay thế hoàn toàn túi nilon mà chỉ mong muốn hạn chế một phần lượng rác thải nhựa ra môi trường.
Tinh bột khoai tây được pha với nước, glyxerin và giấm ăn. Sau đó hỗn hợp này được đun ở nhiệt độ 80 đến 90 độ C tạo thành hồ tinh bột (dạng sánh). Hồ tinh bột tiếp tục được đổ vào khuôn và tiến hành sấy ở một nhiệt độ nhất định để tạo thành túi tái chế từ khoai tây. Quá trình thực nghiệm cho thấy, túi được làm từ bột khoai tây có khả năng chống thấm nước, chịu được vật có trọng lượng trên dưới 2kg. Nhóm cho biết, có thể tăng khả năng chịu lực của túi bằng cách đan kết nhiều lớp glucozơ từ tinh bột khoai tây tạo thành nhiều lớp màng hơn. Túi khi sử dụng xong đưa vào môi trường chỉ mất khoảng 30 ngày để phân hủy, để trong điều kiện ẩm, thời gian phân hủy có thể nhanh hơn.