Nữ sinh tự tử nghi do uất ức với nhà trường
Câu chuyện về nữ sinh N.T.N.Y. (học sinh lớp 10A4, Trường THPT Vĩnh Xương, Thị xã Tân Châu, An Giang) được cho là tự tử trong nhà vệ sinh tại trường học... đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luân.
Theo thông tin trao đổi với báo chí, mẹ của Y. là bà Nguyễn Thị Quyết (ngụ ấp 2, xã Vĩnh Xương, Thị xã Tân Châu) cho biết, nguyên do dẫn đến việc con gái mình tự tử là do uất ức với nhà trường trong việc xử lý vi phạm quy chế đối với em.
Cụ thể, “vi phạm” đầu tiên là do Y. không tham gia học phụ đạo do trường tổ chức có thu phí. Theo thông báo, nhà trường sẽ tổ chức dạy phụ đạo 5 môn có thu tiền. Nhưng do Y. bị bệnh hen phế quản, bệnh tim, tay phải bị gãy, thường xuyên bị đau nhức nên gia đình xin cho em chỉ học môn tiếng Anh. Gia đình cam kết cuối năm Y. sẽ không xếp loại yếu.
Ngoài ra, trong lớp, Y. thường xuyên bị nhắc nhở việc mặc áo dài mỏng. Có lần cô giáo chủ nhiệm “nhắc nhở” thì Y. dùng điện thoại ghi âm lại. Sau đó, Y. bị kết luận vi phạm sử dụng điện thoại ghi âm trong giờ học. Dù, gia đình đã đến gặp gỡ nhà trường để trao đổi và Y. đã xin lỗi cô giáo nhưng trường vẫn xử lý sai phạm làm cháu ức chế.
Theo thông báo về việc học sinh vi phạm điều lệ Trường THPT năm học 2020 - 2021 do thầy Nguyễn Việt Hùm ký có nêu một số nội dung như: phản ánh không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình. Gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo. Sử dụng điện thoại di động để ghi âm giáo viên trong giờ học.
Qua cuộc họp, nhà trường xét thấy gia đình em Y. đã nhận ra những sai sót của con mình và hứa dạy dỗ, điều chỉnh con. Tuy nhiên, do Y. vẫn chưa nhận rõ lỗi của mình, Y. phải viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc hằng ngày trong vòng 2 tuần kể từ ngày 1 - 12/12. Y. phải có mặt tại trường từ 6h30 – đến 6h50 để các cô luân phiên dạy quy tắc ứng xử đạo đức và lao động tại trường.
Đến ngày 30/11, gia đình Y., nhận được tin từ nhà trường báo Y. bị ngất trong trường. Vào đến trường, bà Quyết thấy con gái đang nằm trong phòng y tế.
Y. để lại 2 lá thư tuyệt mệnh, trong đó có giải thích, muốn lấy cái chết để chứng minh mình không phạm lỗi như trường đã xử lý.
Lá thư tuyệt mệnh mà Y. để lại trước khi uống thuốc tự tử trong nhà vệ sinh. |
Y. được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhật Tân (TP Châu Đốc) cấp cứu. Theo giấy chứng nhận điều trị nội trú của Bệnh viện Nhật Tân (TP Châu Đốc), chẩn đoán bệnh của Y. là hạ đường huyết, cố tình tự đầu độc bằng Salbutamol, trào ngược dạ dày thực quản, đau đầu, táo bón.
Giáo viên cần uy, nhưng uy phải đi liền với ân
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về vụ việc, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cho biết, những việc như đi học muộn, mặc áo dài mỏng… là những lỗi thường xuyên của học sinh. Giáo viên có thể gặp gỡ, nhắc nhở, bằng thái độ thân thiện, cởi mở, để các em tự nhận thức được việc đúng, sai rồi thay đổi, chứ chưa cần phải đặt ra vấn để kỷ luật đối với học sinh.
Trong trường hợp học sinh vẫn chưa nhận thức được thì phải có một quá trình giáo dục, trao đổi với các bạn trong lớp, để học sinh tự đánh giá xem hành vi đó là đã đúng hay chưa.
“Tôi luôn nhắc các giáo viên của mình, những việc gì của học sinh thì tốt nhất hãy giả về cho học sinh để các em tự xử lý với nhau. Vì nhiều khi đối mặt với các thầy cô giáo, các em thể hiện cái tôi, sự ương bướng. Nhưng với các bạn thì lại không thể được. Vì quyền lợi của các em gắn với nhau. Áp dụng kỷ luật tích cực là như vậy. Đặc biệt là cần tôn trọng các em”, ông Lâm chia sẻ.
Qua những thông tin nắm được từ báo chí, ông Lâm cho rằng cách xử lý của nhà trường đối với em Y. là sự áp đặt. Em Y. không phải là học kém, việc em không đi học phụ đạo cũng không phải là khuyết điểm, mà em Y. có quyền lựa chọn làm điều đó.
Thực tế, nhiều trường ở Việt Nam hiện nay không thấy quyền, mong muốn của học sinh, mà chỉ thấy quyền, mong muốn của giáo viên. Từ đó sinh ra đối lập với nhau.
Trong các nhà trường, ngành giáo dục vẫn nêu khẩu hiệu “dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm", thì 4 điều này phải đi liền với nhau. Trong đó, dân chủ là thầy trò đối xử phải có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau. Nếu thầy không tôn trọng học sinh thì làm sao học sinh tôn trọng thầy được?
Thực tế, nhiều học sinh khi được thay đổi trong cách đối xử, được tôn trọng thì nhiều khuyết điểm tự nhiên không còn, chưa cần phương pháp giáo dục nào.
Chứ nếu thầy cô giáo chỉ dùng quyền uy, coi mình là nhất sẽ dẫn đến sự phản ứng của học sinh. Và như trong vụ việc này, là học sinh đã di chúc lại rằng dùng cái chết để cho thấy các thầy cô thấy cái sai của mình.
Theo ông Lâm, việc trước hết cần phải làm bây giờ là lãnh đạo nhà trường, cô giáo chủ nhiệm nếu đã cảnh cáo em trước toàn trường thì giờ phải xin lỗi em trước toàn trường. Vì hiện nay, Bộ GD&ĐT cũng không cho phép việc này. Vậy thì, khi nhà trường làm sai, cần phải xin lỗi học sinh trước đã.
Và nhà trường phải đến chia sẻ với gia đình, với các em học sinh. Điều cơ bản là thầy cô phải nhận lỗi, tránh gây thêm tổn thương cho học sinh.
Về việc có quan điểm cho rằng, nếu như không nghiêm khắc, mà quá “nương” theo học sinh sẽ khiến cho việc giáo dục khó khăn, thậm chí làm “hư” các em, ông Lâm cho rằng, không nên sợ điều đó. Bởi nhà trường có kỷ luật, giáo viên cần “uy” đối với học trò, nhưng đi liền với đó phải là cái “ân”. Và nhiều khi phải dùng cái “ân” để có cái “uy”, chứ không phải dùng “uy” mà bỏ “ân”, áp đặt học trò. Như vậy là rất sai. Người làm giáo dục mà tư duy sai sẽ rất nguy hiểm.
“Qua sự việc này, tôi rất mong muốn nhà trường sẽ có những hỗ trợ để giảm đi tổn thương, sang chấn tâm lý cho học sinh. Hiện nay, học sinh đang cho rằng mình bị nhà trường áp đặt, đè nén. Vậy thì, phải giải tỏa tâm lý đó cho em. Tôi cho rằng, đây là bài học cho tất cả các nhà trường, trong mọi sự việc cần phải đặt học sinh lên đầu tiên, nghĩ tới tổn thương của các em có thể gánh chịu, chứ không phải là chỉ là chuyện thành tích, xếp loại…”, TS Nguyễn Tùng Lâm.