Liên quan vụ việc nam sinh bị đánh chết não, Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại quận Long Biên) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.
Em N.H.Đ được mẹ chăm sóc tại bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ảnh: X.N. |
T.V.M. là anh trai của T.V.K, người đã có mâu thuẫn với N.H.Đ khi chơi bóng rổ. Sau khi xảy ra mâu thuẫn với Đ., K. đã chạy đi gọi anh trai, và được bố là T.V.T chở đến. Sau đó, đã xảy ra sự việc đau lòng, M. đấm Đ. khiến Đ. bị chấn thương sọ não, hôn mê.
Càng thương xót nạn nhân bao nhiêu, dư luận lại càng lên án hành vi của M. bấy nhiêu, và cả bố đẻ của em này. Chính vì vậy, trước thông tin “thường ngày gia đình anh T. sống rất chan hòa với hàng xóm, 2 con trai là cháu K và cháu M ngoan ngoãn, lễ phép với mọi người… sự việc xảy ra chỉ là bộc phát của các cháu ở tuổi mới lớn” đã thổi bùng lên những tranh cãi trái chiều.
Nhiều ý kiến chỉ trích, cho rằng, hành vi bạo lực của em T.V.M là không chấp nhận được, và rất có thể đó là cái “mầm ác” đã được dung dưỡng, do giáo dục gia đình, chứ không phải là hành vi “bộc phát” ở lứa tuổi mới lớn. Một đứa trẻ bình thường “ngoan ngoãn, lễ phép” thì khó có thể đánh bạn đến chết não như thế.
M cần chịu trách nhiệm trước hành vi của mình trước pháp luật. Ngoài ra, cũng cần xem xét trách nhiệm của người bố trong vụ việc này. Không nên có những luồng thông tin “lái” dư luận để bao che cho cái xấu, cái ác.
Hậu quả đau lòng từ thiếu giá trị, kỹ năng sống
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho hay, trong một vụ việc có hai câu chuyện.
Thứ nhất, các em đều đang ở tuổi vị thành niên, có xô xát trong sinh hoạt, dẫn tới bạo lực và hậu quả không đáng có, đó là điều cần phải lên án. Câu chuyện này không thể ném vào im lặng mà cần được xem xét, rút kinh nghiệm.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam. Ảnh: Mai Loan. |
Cùng với đó, có câu chuyện thứ 2, đó là sự bùng phát tâm lý của tuổi vị thành niên, cả hai bên đều muốn giải quyết bằng bạo lực chứ không muốn trao đổi. Như vậy các em đều thiếu giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử.
Nếu các em ứng xử theo giá trị yêu thương, tôn trọng, khoan dung thì câu chuyện có thể giải quyết sang hướng khác. Câu chuyện thứ hai cần được xem xét trên bình diện này.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, về nguyên tắc, khi gây ra hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Pháp luật phải có trách nhiệm nhanh chóng điều tra, làm rõ hành vi của các bên, có kết luận chính xác, không “chạy theo” dư luận. Cùng với đó là sự vào cuộc, lên tiếng của các luật sư, của các cơ quan chức năng, như Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam…
Còn mọi nhìn nhận, đánh giá cũng cần trên cơ sở điều tra và kết luận của pháp luật. Ông Lâm không ủng hộ việc phỏng đoán, phán xét khi chưa có căn cứ.
Cha mẹ tránh “đổ thêm dầu vào lửa”
TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ, tuổi mới lớn là giai đoạn có những biến đổi mạnh mẽ cả về tâm, sinh lý. Tuy nhiên, các em không thể ỷ vào việc mình đang ở tuổi vị thành niên mà muốn làm gì thì làm.
Vụ việc xảy ra thêm một hồi chuông gióng lên về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Việc này phải làm thường xuyên, chứ chỉ làm khoảng 1-2 lần/năm thì chưa đủ.
Các bạn của nam sinh N.H.Đ cùng nhau gấp 1.000 hạc giấy mong điều kì diệu đến với bạn Đ. Ảnh: X.N |
“Chương trình giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cần phải đưa vào nhà trường nhiều hơn nữa để các em biết sống trong tình yêu thương, sự bao dung, tha thứ cho nhau, từ đó mới ngăn ngừa được việc xảy ra xung đột. Bất kỳ một xung đột nào xảy ra đều có nguy hiểm cả, hậu quả hoặc bên này, bên kia phải gánh chịu”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, giáo dục gia đình rất quan trọng. Các gia đình cần thường xuyên nhắc nhở các con, mỗi khi đến trường cần phải ứng xử với bạn bè thế nào, không nên hơn thua bằng bạo lực… Và khi giữa các con đã xảy ra xung đột, nếu biết, bố mẹ phải là người đứng ra hòa giải, dập tắt mồi lửa nóng giận. Chứ không phải lại “đổ dầu vào lửa” để xung đột bùng cháy lên, dẫn tới những hậu quả đau lòng.
Theo thông tin từ phía gia đình, nam sinh N.H.Đ bị đánh chết não, sau khi được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, em Đ. đã đáp ứng thuốc điều trị nặng hơn, nhưng vẫn hôn mê sâu, thở máy và các phương tiện hồi sức tích cực.
Quá bức xúc trước vụ việc, một số đối tượng quá khích đã tìm đến nhà bị can đánh nam sinh lớp 8 để ném chất bẩn, gạch đá...
Mời quý độc giả xem video: TS. Nguyễn Tùng Lâm trao đổi với PV Tri thức & Cuộc sống về sứ mệnh của người thầy, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Giữa thầy và trò không có thua và thắng, chỉ có ân hận hay tự hào: