Ảnh minh họa. |
Đi “khoe”, xin, bình luận... đều phạm luật
Những ngày qua, các clip văn hóa đồi trụy được cho là của Bar Sunny (Vĩnh Phúc) lan truyền một cách chóng mặt trên Facebook và các mạng xã hội. Tuy nhiên, theo kết luận điều tra của Công an tỉnh Vĩnh Phúc thì các clip lan truyền trên mạng đều là giả mạo, không đúng sự thật, không phải xảy ra tại quán Bar Sunny mà do một máy chủ đặt ở Mỹ phát tán. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là “ăn theo” Sunny Bar có hàng loạt web đen tung ra các clip sex giả mạo để thu hút sự truy cập, thật giả rất dễ lẫn lộn. Và chưa bao giờ một clip văn hóa đồi trụy được phát tán đơn giản với tốc độ nhanh đến thế. Điều này khiến cho các bậc cha mẹ lo ngại bởi sau khi dịch Covid-19 bùng nổ, bạn trẻ nào cũng có máy tính và điện thoại thông minh, rất dễ dàng tiếp cận với “văn hóa đen” và có nguy cơ vô tình trở thành tội phạm truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn luật sư Hà Nội), hành vi đăng tải những clip khiêu dâm, đồi trụy lên trên mạng xã hội là Hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Trong trường hợp có căn cứ xác định người đã phát tán clip này lên mạng xã hội khiến từ 10 người tiếp cận trở lên hoặc dung lượng clip từ 1 gigabyte (GB) trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (bất kể clip có phải là ghi tại quán Sunny hay không).
Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định, người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 - 100.000.000đ, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tùy theo mức độ nghiêm trọng do hành vi này gây ra mà người làm ra, phát tán các hình ảnh nhạy cảm này có thể bị phạt tù từ 7 - 15 năm.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, những người đi "khoe", đi “xin”, lưu trữ, phát tán, cho bạn bè xem, bình luận... clip Sunny Bar cũng đối mặt với mức phạt trên. Việc rầm rộ chia sẻ, rầm rộ bình luận, đánh giá mà chưa kiểm chứng thông tin chính là vô tình tiếp tay cho mục đích truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, làm mất đi giá trị của truyền thống văn hóa ở Việt Nam, có thể sẽ bị xử lý để làm gương cho những đối tượng khác. Đặc biệt, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy cho trẻ dưới 18 tuổi hoặc gây hậu quả nghiêm trọng còn chịu hình phạt nặng hơn người vô tình phát tán hoặc làm ra clip.
Ảnh minh họa. |
Bảo vệ trẻ bằng cách nào?
Với độ mở không biên giới của internet và mạng xã hội toàn cầu, trẻ em phải đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực đến từ các web “đen”, app “đen”... Ban đầu, trẻ đến với mạng xã hội, internet với mục tiêu học tập, nâng cao hiểu biết, rèn luyện kỹ năng máy tính, giải trí, chia sẻ tâm tình một cách lành mạnh và hấp dẫn… Tuy nhiên, do vô tình hoặc tò mò giới tính trỗi dậy hoặc bị mắc bẫy dụ dỗ tinh vi của những kẻ hám lợi và bệnh hoạn như gửi các bức ảnh thân thiện, các bộ phim sex, gạ tình, mua bán dâm... Vô tình, con em chúng ta trở thành những nhân vật tiếp tay cho kẻ xấu, nghiện ma túy, nghiện sex, bỏ bê học hành, bỏ nhà... Về lâu dài sẽ trở thành những tội phạm nguy hiểm, bệnh tật, tiềm ẩn nguy cơ mang đến những bất ổn cho xã hội và làm hại những người khác.
Những ngày qua, không ít bạn trẻ đã truyền tay nhau clip Sunny Bar. Dù là giả mạo của Sunny Bar thì clip này cũng là văn hóa phẩm đồi trụy, kích động lối sống thác loạn, hư hỏng trong giới trẻ. Để bảo vệ con em mình, nhiều bậc phụ huynh phải tìm đến các giải pháp ngăn chặn web đen, clip sex, quản lý máy tính, điện thoại của con...
Theo chuyên gia đào tạo CNTT cấp cao tại NIRAS Hà Hải Nam, có nhiều phương pháp kết hợp để các bậc cha mẹ quản lý con em mình dùng internet. Phần mềm KeyLogger có thể giúp bố mẹ quản lý mọi nội dung gõ từ bàn phím, xem trẻ đã truy cập vào những trang web nào, nội dung chat... Nhưng để ngăn chặn không cho máy tính của con truy cập vào web đen, các cha mẹ cần cài những phần mềm như Vapu, Anti-Porn... Đây là những công cụ ngăn chặn các website không lành mạnh miễn phí. Anti-Porn có thể lọc ra các trang web dành cho người lớn (khiêu dâm), có chứa các đối tượng không phù hợp với trẻ em và thậm chí có cả các bộ lọc ngôn ngữ Chat mà con em không nên sử dụng. Với Anti-Porn cha mẹ cũng có thể lọc nội dung internet bằng cách chặn các từ khóa cụ thể. Đồng thời, Anti-Porn cũng lưu giữ một bản ghi đầy đủ tất cả các trang web truy cập, lọc ra hay không, và theo dõi tất cả các nội dung được xem trên máy tính, bao gồm cả các tập tin, hình ảnh, âm nhạc, lịch sử sử dụng của trẻ...
Để kiểm soát điện thoại, các phụ huynh có thể mua gói cước dịch vụ KidSafe. Tuy nhiên, gói dịch vụ này mới chỉ hỗ trợ cho các thuê bao của VinaPhone. Thuê bao Con được đăng ký vào danh sách bảo vệ sẽ không thể truy cập website có nội dung xấu, độc hại khi Cha/Mẹ sử dụng dịch vụ Mobile Internet của VinaPhone. Không cần phải cài đặt thêm bất kỳ chương trình nào vào điện thoại, không phân biệt thiết bị là Iphone, Windows phone hay Android, dịch vụ KidSafe có thể được đăng ký và sử dụng trên tất cả các thiết bị thông minh dùng mạng 3G của Vinaphone với giá 7 nghìn đồng/ngày.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Hà Hải Nam, cách tốt nhất để bảo vệ trẻ vẫn là tư vấn, chỉ dẫn cho con những nguy hại mặt trái của môi trường internet, nhất là các trang web đen. Song song với quá trình giám sát trên máy tính, cần hướng trẻ đến những hoạt động vui chơi lành mạnh, chia sẻ kiến thức về giới tính, xây dựng cho trẻ quan niệm đúng về cái đẹp và mong muốn hướng tới cái đẹp, tránh xa điều xấu. Bởi vì, môi trường internet rất rộng lớn, không thể có một phương pháp nào chặn mọi thứ hiệu quả như mong muốn. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của trẻ.