Mới đây, Khoa Cấp Cứu – Bệnh viện TWQĐ 108 vừa tiếp nhận cấp cứu thành công cho một bệnh nhân nữ 27 tuổi, mang thai 40 tuần bị phản vệ mức độ nguy kịch do thuốc.
Qua khai thác tiền sử bệnh, ngày 10/9 bệnh nhân xuất hiện đau họng và đã tự uống thuốc amoxillin, alphachoay, codepil, ngân liên phế, sau uống khoảng 30 phút, bệnh nhân xuất hiện nổi mề đay toàn thân, khó thở, thở rít, đau ngực, choáng.
Bênh nhân vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện TWQĐ 108 khám trong tình trạng: tỉnh táo, tiếp xúc được, ban đỏ kiểu dị ứng toàn thân, ngứa nhiều, phù nhẹ thanh môn, nói khàn, thở rít, thở nhanh 30 lần/phút, ran rít 2 phổi, SpO2 92%, tim đều, nhanh, 132 lần/phút, huyết áp 96/54mmHg.
Cấp cứu bệnh nhân phản vệ do dùng thuốc - Ảnh BVCC |
Bệnh nhân được tiến hành cấp cứu khẩn cấp theo phác đồ phản vệ độ III, tiêm adrenalin, corticoid, kháng histamin, thở oxy, truyền dịch, siêu âm thai tại giường, hội chẩn chuyên khoa sản, đo tim thai, theo dõi cơn co tử cung.
Sau 10 phút cấp cứu tích cực bệnh nhân đỡ khó thở, ban đỏ giảm, huyết áp trong giới hạn, mạch ổn định dần, chuyển Khoa Hồi sức nội và chống độc, Bệnh viện TWQĐ 108 theo dõi tiếp.
Đến 14h00 ngày 12/9 bệnh nhân xuất viện trong tình trạng tỉnh táo, tuần hoàn hô hấp ổn định, hết ban dị ứng, thai nhi ổn định.
Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng tức thì nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tử vong đột ngột trong vòng một vài phút, sau khi tiếp xúc với dị nguyên. Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây sốc phản vệ (thuốc, thức ăn, hoá chất, nọc côn trùng…) thuốc là nguyên nhân rất thường gặp. Tất cả các loại thuốc đều có thể gây sốc phản vệ, hay gặp nhất là thuốc kháng sinh họ β lactam, chống viêm giảm đau, giãn cơ, chống co giật, cản quang, gây tê, gây mê…
Phản vệ xảy ra trên phụ nữ mang thai là một trường hợp đặc biệt, có nguy cơ tử vong cao, thiếu oxy cho cả mẹ và thai nhi, dẫn đến suy thai, thai lưu, việc dùng thuốc ở đối tượng này cần hết sức cẩn thận, cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ dị ứng như ban dát sẩn, ngứa, phù mặt, khó thở, choáng,... cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Bác sĩ Lê Kiều Trang (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện TWQĐ 108)