Tự tử là nguyên nhân thứ hai sau tai nạn giao thông gây ra cái chết cho nhóm người trẻ tuổi

Tự tử là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở nhóm tuổi 15 – 29, sau tai nạn giao thông. 11% số vụ trẻ tự tử do bắt chước. vấn đề tự sát ở thanh thiếu niên ngày càng trở nên nghiêm trọng và là hồi chuông báo động cho toàn xã hội.

Đó là thông tin các chuyên gia đưa ra tại tọa đàm "Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa, can thiệp tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên" diễn ra ở ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

ThS Nguyễn Thị Thanh Tùng, khoa Công tác xã hội, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhận định vấn đề tự sát ở thanh thiếu niên ngày càng trở nên nghiêm trọng và là hồi chuông báo động cho toàn xã hội.

Cụ thể, theo nghiên cứu của tổ chức Blum, năm 2012, tại Hà Nội, tỷ lệ tự sát và toan tự sát ở nhóm tuổi 15-24 là 2,3%. Trong đó, nhóm tuổi từ 15-19 ghi nhận tỷ lệ có yếu tố tự sát và toan tự sát cao hơn 20-24%.

tu-tu.jpeg
Tọa đàm "Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa, can thiệp tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên"

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội),

cho biết tính đến hiện tại, tự tử là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong cho nhóm tuổi 15-29, sau tai nạn giao thông. Độ tuổi tự tử đang ngày càng trẻ hóa.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, gia đình gặp khủng hoảng tài chính, trẻ em và thanh thiếu niên bị cắt giảm chi tiêu hoặc đối xử hà khắc thường đi đến quyết định tự tử. Trong số các vụ tự tử thành công ở trẻ em và thanh thiếu niên, hành vi bắt chước từ vụ tự tử trước đó chiếm 11%.

"Truyền thông đưa tin về tự tử càng chi tiết, rộng rãi, người tự tử càng nổi tiếng, có sức ảnh hưởng xã hội càng làm gia tăng số vụ tự tử do bắt chước trong tương lai", ông Nam nhấn mạnh.

Cách thức tự tử phổ biến ở đối tượng trẻ dưới 15 tuổi là nhảy từ các tòa nhà cao tầng hoặc chạy vào dòng xe cộ. Trẻ trên 15 tuổi thường tự tử bằng ma túy hoặc treo cổ.

Có nhiều yếu tố tác động đến hành vi tự sát ở trẻ. Theo đó, về mặt cá nhân, hầu hết trẻ em đều sử dụng mạng xã hội ảo để làm quen, nói chuyện với bạn bè. Khi gặp vấn đề cần sự hỗ trợ, chia sẻ trực tiếp, trẻ không có ai bên cạnh, dẫn đến dễ có hành vi tự sát.

Tiếp đó, ở trường học, các vấn đề như bạo lực học đường, đặc biệt là hình thức bắt nạt trực tuyến, cũng đẩy trẻ em vào nguy cơ tự sát. Thời gian nghỉ học do dịch Covid-19, trẻ tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau, dễ dàng bắt chước các hành vi tự sát trên mạng xã hội.

Đặc biệt, một yếu tố khác dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ là gia đình tất bật lo cho cuộc sống, thiếu sự giao tiếp với con cái. Bố mẹ không phát hiện những thay đổi về mặt tâm sinh lý của con. Từ đó, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, trẻ không tìm được sự hỗ trợ của gia đình và quyết định tự sát.

Để giảm tự tử ở trẻ, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh vai trò của gia đình trong việc giảm vấn nạn tự tử ở trẻ em. Theo ông, khi thấy con có dấu hiệu nguy cơ, bố mẹ cần ứng xử phù hợp như ở lại với con, đảm bảo môi trường an toàn, hạn chế các chất kích thích mà con có thể tiếp cận, sau đó, họ kết nối trẻ với dịch vụ sức khỏe tâm thần.

"Bố mẹ phải lắng nghe con, đừng nói với trẻ là 'thử chết được không'. Một câu nói lúc nóng giận hoặc vô tâm của bố mẹ có thể không cứu được mạng sống của trẻ. Chúng ta phải hiểu việc bên cạnh trẻ trong khoảng thời gian con chịu khủng hoảng là vốn quý nhất để giúp trẻ cân bằng lại tâm lý", ông Nam nói.

Theo Đời sống
back to top