ThS Bùi Thị Bích Liên, khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, ĐH Cần Thơ cho biết, mô hình “Hệ thống dự trữ nước mưa và giàn phun mưa bán tự động” là một mô hình khép kín dùng để thu gom, xử lý nước mưa dùng cho mục đích làm mát mái nhà và sinh hoạt của người dân.
Nước mưa sẽ được thu gom bằng máng, nước sẽ theo hệ thống ống dẫn đến bộ phận xả bỏ nước đầu trận mưa sau đó mới đi vào bồn chứa. Ở đây, nước sẽ được giữ lại và được dùng cho 2 mục đích là phun làm mát mái nhà và nước sử dụng cho sinh hoạt. Để làm mát mái nhà, nước sẽ được bơm lên mái nhà bằng máy bơm có công tắc. Nước mưa sẽ theo hệ thống đường ống đến vòi phun và phun đều ra mái nhà. Với thể tích của bồn chứa (từ 300 – 1000 lít), giàn phun mưa có thể hoạt động khoảng 30 - 60 phút.
Trong những ngày không có mưa, nước máy sẽ được đưa vào và trữ lại tại bồn chứa, vừa dùng cho sinh hoạt, vừa để phun mưa. Sau 10 phút phun mưa, nhiệt độ trung bình trong nhà có xu hướng giảm chậm và thấp (giảm 1,2 độ C so với thời điểm trước phun), sau 30 phút phun nhiệt độ trung bình trong nhà giảm 3,3 độ C so với nhiệt độ trước phun là 33 độ C. 30 phút tiếp sau, nhiệt độ trung bình trong nhà giảm 4,3 độ C so với nhiệt độ trước phun. Sau khoảng thời gian này, nhiệt độ trong nhà giảm xuống khoảng 2,1 - 4,3 độ C so với nhiệt độ lúc đầu.