Từ những vụ bạo hành trẻ: Dạy con bằng kỷ luật tích cực, không nước mắt

Nhiều cha mẹ đặt câu hỏi, không kỷ luật, đánh mắng thì làm sao dạy được trẻ? Thực tế, nhiều cha mẹ đã bạo hành con mà không biết.

Không kiềm chế được việc đánh đập, chửi mắng con

Chị Nguyễn Ngọc Thanh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) từ khi sinh bé thứ 2, chị chỉ ở nhà nội trợ. Mỗi sáng, cả xóm lại bắt đầu nghe thấy tiếng chị chửi con. Con trai đầu chị học lớp 5, theo chị là cháu rất nghịch ngợm, học hành không tập trung, kết quả học tập không tốt.

ky-luat-khong-nuoc-mat.jpg
Việc cho rằng phải quát mắng, làm đau trẻ thì trẻ mới thấu hiểu lời răn dạy của cha mẹ là hoàn toàn sai lầm. Ảnh minh họa: Mai Nguyễn.

Hàng xóm thường xuyên nghe thấy tiếng chị gào thét: “Mày là đồ vô tích sự”, “trời ơi, tao sẽ đuổi mày ra khỏi nhà”, “tao không nghĩ là tao lại đẻ ra một đứa ngu dốt, đần độn như mày”... Có lúc không kiềm chế được, chị còn lấy thước vụt vào mông con.

Ầm ĩ đến nỗi, bác hàng xóm tuổi cao, “gần nhà, xa ngõ” cũng đã phải sang tận nơi hỏi chị sao chửi mắng con nhiều thế, có gì phải dạy bảo con nhẹ nhàng, làm như thế không nên.

Chị Thanh chia sẻ, chị rất thương con, có lần mắng con xong chị cảm thấy uất ức, bất lực, vừa thương con, vừa thương mình, chị đã òa khóc nức nở.

“Con tôi quá bướng, không nghe lời mẹ, tôi không muốn đánh mắng con, nhưng cứ dạy con là tôi lại không thể kiềm chế được. Con tôi nếu không dạy vậy thì nó làm loạn mất”, chị Thanh nói.

Còn chị Lê Ngọc Mai (Việt Trì, Phú Thọ) đã “tước quyền” được dạy con của chồng. Bởi vì, mỗi lần dạy học, chồng chị lại chửi mắng con thậm tệ. Và dùng những từ ngữ theo chị là “sỉ nhục, xúc phạm” con, trong khi đó, con gái đang học lớp 7, ở tuổi “nhạy cảm”.

Vụ việc cháu bé 8 tuổi ở TPHCM bị đánh đập,bạo hành đến chết đã gây phẫn nộ trong dư luận về sự tàn ác của Nguyễn Võ Quỳnh Trang đối với con riêng của chồng. Tuy nhiên, nó cũng khiến không ít các bậc làm cha, làm mẹ giật mình trong việc ứng xử với con cái.

Nhiều cha mẹ băn khoăn, vẫn có lúc giận quá “tét” mông con, hay vụt con vài cái, hoặc chửi mắng con… thì đó có phải là đang bạo hành con không?

Nhiều dấu hiệu của bạo hành trẻ

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, từ trước đến nay chúng ta có những cách tiếp cận, khái niệm khác nhau về bạo lực trẻ em. Tuy nhiên, trong xã hội ngày càng văn minh, ngày càng tôn trọng quyền con người và quyền trẻ em thì các quốc gia, cộng đồng đều đi đến thống nhất về hành vi bạo lực với trẻ em.

Trong Luật Trẻ em năm 2016, tức là luật mới nhất về quyền và bảo vệ trẻ em của nhà nước Việt Nam, bạo lực nằm trong một nhóm hành vi xâm hại trẻ em. Luật quy định rõ là bất kỳ hành vi nào gây tổn hại cho trẻ em cả về thể chất, tinh thần, tâm lý, tình cảm lẫn các mối quan hệ xã hội thì đều là xâm hại trẻ em.

Xâm hại trẻ em có nhiều loại hình khác nhau như bạo lực, xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc. “Không có hành vi nào gây tổn hại cho trẻ em mà có thể biện minh, cho dù đó là trút cơn nóng giận, cho dù đó là giáo dục dạy dỗ hay bất kỳ một lý do nào khác. Cứ gây tổn hại cho trẻ em là phải chịu sự trừng phạt của pháp luật”, ông Nam nói.

Bà Lê Mai Quyên, Tư vấn viên Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 chia sẻ, hằng ngày, tổng đài nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến bạo hành trẻ em. Nhân viên tổng đài sẽ hỏi dấu hiệu về thể chất và tinh thần từ người báo để xác định bạo hành.

Trong đó, dấu hiệu về bạo hành sẽ tinh vi hơn nhiều. Nhân viên sẽ phải hỏi xem trẻ có bao giờ nhận chỉ trích trách móc. “Chúng ta thấy phụ huynh hay nói những lời theo thói quen chửi con "mày chẳng được tích sự gì", "cút xéo đi"... Chúng ta nghĩ là thói quen, nhưng đó đều là dấu hiệu bạo hành tinh thần”, bà Quyên nói.

Theo bà Quyên, một đứa trẻ liên tục bị từ chối, phủ nhận, không được chấp nhận, cũng là đang bị bạo hành tinh thần. Hoặc cha mẹ có hành vi phân biệt đối xử giữa các con trong gia đình. Nếu người nuôi dạy cho trẻ tiếp xúc với văn hóa phẩm không phù hợp với lứa tuổi cũng là bạo hành trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam cho biết, có một sự thật mà chúng ta phải chấp nhận là những người xâm hại, bạo lực trẻ nhiều nhất lại chính là các bậc cha mẹ hoặc người chịu trách nhiệm trực tiếp chăm sóc, gần gũi với trẻ hằng ngày. Không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng vậy. Các số liệu thống kê đều cho thấy vấn đề này.

Hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn con mình tiến bộ, ngoan ngoãn, giỏi giang nhưng không nghĩ rằng để con mình có sự phát triển hài hoà thì bản thân cha mẹ cũng phải học cách làm cha mẹ. Chúng ta có thể sinh con ra nhưng không phải ai cũng biết cách làm cha mẹ.

Nhiều khi chúng ta cho rằng phải đánh roi, úp mặt vào tường, bắt chép nhiều trang, quát mắng, làm đau trẻ thì trẻ mới thấu hiểu lời răn dạy của cha mẹ. Nhưng điều đó hoàn toàn sai lầm.

Nhiều cha mẹ nói không kỷ luật, đánh mắng trẻ thì làm thế nào dạy trẻ? Có những phương pháp khác gọi là kỷ luật tích cực, kỷ luật không nước mắt. “Muốn kỷ luật tích cực, kỷ luật không nước mắt mà con cái vẫn phát triển hài hòa và toàn diện, ngoài tiếp cận kiến thức, có hai nguyên tắc rất quan trọng. Thứ nhất, chúng ta phải kiên trì, dành thời gian cho con em. Thứ hai, chúng ta học từng ngày từng giờ, không chỉ lý thuyết mà cả thực hành”, ông Nam nói.

111 là số đường dây nóng của Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em. Ông Đặng Hoa Nam cho biết, trong trường hợp khẩn cấp, người dân có thể gọi 111 hoặc 113. Tuy nhiên, tổng đài 111 còn có tác dụng tiếp tục theo dõi, giám sát, tư vấn. Trường hợp cơ quan chức năng chưa can thiệp, tổng đài 111 sẽ đôn đốc. Nếu lực lượng chức năng không can thiệp kịp thời, để xảy ra hậu quả nào đó thì pháp luật Việt Nam có chế tài xử lý. Mọi cuộc gọi đến, đi từ 111 đều được bảo mật và ghi âm làm bằng chứng.

Theo Đời sống
back to top