Tự nâng cấp để xứng tầm 4.0

(khoahocdoisong.vn) - Theo GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, mỗi cá nhân trong xã hội hiện đại phải luôn sáng tạo, tự “nâng cấp” mình lên tầm công dân 4.0 để thích ứng.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng Phòng Thí nghiệm Mục tiêu Trí tuệ nhân tạo, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mỗi cá nhân trong xã hội hiện đại phải luôn sáng tạo, tự “nâng cấp” mình lên tầm công dân 4.0 để thích ứng.

Đừng bỏ lỡ cơ hội

Gần đây, khắp nơi, đâu đâu người ta cũng nói về CMCN 4.0. Nhưng nhiều người chưa hiểu thực chất CMCN 4.0 là gì?

CMCN4 xuất phát ở Đức, nhưng nếu bạn sang Đức, sẽ ngạc nhiên thấy rằng hình như người ta ít nói về điều này hơn ở ta. Có thể ở bên đó, mọi chuyện là tự nhiên, cứ tiệm tiến mà đi. Họ đã lần lượt đi qua, hết cuộc CMCN1, sang CMCN2, rồi CMCN3 và bây giờ bước vào CMCN4. Họ đi một cách thực sự, vững chắc, chuyển sang giai đoạn CMCN4 một cách tự nhiên.

Còn hiện nay ở ta chưa phát triển đồng đều. Một số lĩnh vực ta đã tiếp cận công nghiệp 4.0, với các hoạt động chuyển đổi số, kết nối thế giới thực thể - không gian số và sản xuất thông minh. Chúng ta đề cập nhiều hơn về CMCN4, công nghiệp số là bởi đó thực sự là một cơ hội phát triển và nói đến, nhắc đến để thúc giục mỗi tổ chức, lĩnh vực có chiến lược và hoạch định phát triển phù hợp, để không bỏ lỡ cơ hội trong xu thế phát triển quan trọng này.

Chúng ta đề cập nhiều hơn về CMCN4, công nghiệp số là bởi đó thực sự là một cơ hội phát triển. (ảnh minh hoạ)

Chúng ta đề cập nhiều hơn về CMCN4, công nghiệp số là bởi đó thực sự là một cơ hội phát triển. (ảnh minh hoạ)

Vậy có thể hiểu đơn giản CMCN 4 là gì?

Nói là cuộc cách mạng có vẻ to tát, thực ra đó là những làn sóng, trào lưu về việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh doanh và cuộc sống hằng ngày với mục đích làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Dường như cũng là thách thức của truyền thông khi nói về CMCN4?

Nếu truyền thông không phù hợp có thể dẫn đến tình huống công chúng ở nước ta sẽ mặc nhiên cho rằng các tiền đề và hạ tầng để tiếp cận CMCN4 đã có sẵn rồi. Nhưng không phải như vậy. Ở Việt Nam vẫn có nhiều lĩnh vực chỉ mới dừng lại nền tảng của các cuộc cách mạng CMCN1 - cơ khí hóa, CMCN2 - điện khí hóa, CMCN3 - tự động hóa, tin học hóa. Khác với CHLB Đức và những nước phát triển, ở đó các tiền đề hướng tới CMCN4 về cơ bản đã được xây dựng.

Nói một cách ví von, “làng họ” đa phần mọi người đã học xong tiểu học, đã xong trung học cơ sở, rồi đã xong trung học phổ thông và bây giờ chuẩn bị thi vào đại học. Còn “làng mình” vẫn có người chưa biết chữ, có người mới chỉ học hết tiểu học, có người tốt nghiệp phổ thông trung học.

Chúng ta phải làm gì để thực hiện CMCN4?

Trong sự nghiệp thúc đẩy và phát triển CMCN4 ở nước ta, yêu cầu đặt ra là không để lỡ cơ hội trong xu thế phát triển hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Nền móng để thực hiện CMCN4 chính là hạ tầng xã hội, kỹ thuật, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Sự chuẩn bị lớn nhất cho CMCN 4.0 là con người - người triển khai ứng dụng thực tế, nhà quản lý, nhà khoa học.

Sự chuẩn bị lớn nhất cho CMCN 4.0 là con người - người triển khai ứng dụng thực tế, nhà quản lý, nhà khoa học. (ảnh minh hoạ)

Sự chuẩn bị lớn nhất cho CMCN 4.0 là con người - người triển khai ứng dụng thực tế, nhà quản lý, nhà khoa học. (ảnh minh hoạ)

Số hóa, không có nghĩa là sống ảo

Những ứng dụng thường ngày trong cuộc sống như Uber, Grab... có phải là một biểu hiện của CMCN 4.0?

Đó là một biểu hiện của CMCN4, ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông trong các mô hình kinh tế chia sẻ. Thay vì mua bán trực tiếp, nay thực hiện nhanh, hiệu quả và linh hoạt với sự hỗ trợ của công nghệ.

Canh tác nông nghiệp thông minh, sử dụng hệ thống điều khiển tự động cũng thế?

Đúng vậy, trong cuộc CMCN4, từng cây trồng sẽ được chăm sóc một cách chính xác, phù hợp tùy thuộc môi trường, tính hình sinh trưởng và nhu cầu nước, dinh dưỡng, thuốc bảo vệ thực vật, chế độ ánh sáng và độ ẩm... Các cảm biến giúp thu thập thông tin. Hệ thống xử lý thông minh giúp lựa chọn chế độ phù hợp. Thiết bị điều khiển tự động giúp cung cấp nước, dinh dưỡng, thuốc bảo vệ thực vật, chế độ ánh sáng và độ ẩm theo yêu cầu. Nhờ vậy, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất...

Theo tưởng tượng của tôi, ở các nước có nền công nghiệp phát triển khi mọi thứ được số hóa và được trợ giúp thông minh, tương tác con người với nhau sẽ bị suy giảm. đúng vậy không thưa ông?

Điều này không hoàn toàn đúng. Đã có người cho rằng một trường đại học trong CMCN4 sẽ có thể có đặc trưng “bốn điểm không”: Không có bạn cùng khóa, không cần thầy, không cần giảng đường, không cần thư viện sách. Trường Đại học Oxford, lâu đời nhất và đứng đầu nước Anh về chỉ số xếp hạng, có khoảng 22.000 sinh viên, nhưng hiện tại có gần 11.000 cán bộ. Thư viện của họ không chỉ có các thư viện số mà còn thư viện truyền thống với khoảng 12 triệu cuốn sách (Ở đây mỗi cuốn chỉ tính 1 bản được xuất bản lần đầu). Trường Đại học Oxford chắc chắn cũng là trường đại học hàng đầu sẵn sàng và thực sự tiệm cận CMCN4.

Trên thực tế, các thành tựu công nghệ trong CMCN4 dựa trên các thành quả phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin truyền thông (với Internet vạn vật, máy in 3 chiều, Trí tuệ nhân tạo); công nghệ nano; công nghệ sinh học tuy có thể làm thay đổi quan hệ và phương thức sản xuất truyền thống ở một khía cạnh nào đó, nhưng một cách tích cực sẽ không được làm suy giảm tương tác con người với nhau. Bởi lẽ mục đích quan trọng của các cuộc CMCN là thúc đẩy lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống và sự hài lòng của con người trong Thế giới thực thể.

Nghĩa là con người vẫn làm chủ mà không lệ thuộc nhiều vào công nghệ?

Các ứng dụng trong CMCN4 phục vụ con người đòi hỏi tạo ra các phiên bản số tương ứng khía cạnh khác nhau của con người trong cuộc sống thực. Khi chăm sóc sức khoẻ, mỗi người sẽ có các phiên bản số: bản giải mã gene, bệnh án điện tử. Khi học, mỗi người sẽ có phiên bản số chính là hiểu biết (cơ sở tri thức) của họ về lĩnh vực chuyên môn. Các phiên bản số này một khi được phân tích bởi các ứng dụng thông minh sẽ góp phần phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của chính con người đó trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là chính chúng ta mới là chủ thể xác định sẽ sử dụng ứng dụng thông minh nào!

Nhiều người lo lắng rằng trong CMCN4 sẽ đến lúc robot thay thế con người trong lao động. (ảnh minh hoạ)

Nhiều người lo lắng rằng trong CMCN4 sẽ đến lúc robot thay thế con người trong lao động. (ảnh minh hoạ)

Không sáng tạo, sẽ bị đào thải

Theo ông, Việt Nam chúng ta đã sẵn sàng bước lên con tàu CMCN4?

Việt Nam chúng ta đã khởi động rất đồng bộ để chuẩn bị lên chuyến tàu đó. Chính phủ và các bộ ngành cũng đã có những bước đi cụ thể để thực hiện chương trình quan trọng này. Ba vấn đề then chốt là: sự tham gia của các doanh nghiệp, nguồn nhân lực cho CMCN4 và hạ tầng xã hội, kỹ thuật, khoa học công nghệ, trong đó đầu tư của các doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế lớn là mấu chốt.

Nguồn nhân lực như thế nào mới đáp ứng được CMCN4 thưa ông?

Nhiều người lo lắng rằng trong CMCN4 sẽ đến lúc robot thay thế con người trong lao động. Để giảm thiểu thiệt hại, con người phải có các kỹ năng, đặc biệt là khả năng sáng tạo và thích nghi để chiến thắng “chủng tộc robot”.

Điều này có khó không, với một nước có trình độ lao động chưa cao như Việt Nam?

Điều này có thể xây dựng thông qua giáo dục và đào tạo. Chúng ta đã có những sự điều chỉnh đáng ghi nhận từ góc độ giáo dục. Trong chương trình phổ thông đang được Bộ Giáo dục & Đào tạo xây dựng, học sinh được học môn học trải nghiệm sáng tạo. Trong môn học Tin học, học sinh lớp 10 sẽ bước đầu được làm quen với Robot giáo dục và được dạy để lập trình, phát triển các ứng dụng. Giáo dục dạy nghề cần phải được quan tâm rất nhiều trong xu thế của CMCN4.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

“Có chuyên gia an ninh mạng của Nhật Bản hầu như không dùng máy tính. Ai cũng ngạc nhiên, nhưng điều đó là bình thường. Bởi lẽ họ là chuyên gia, trí tuệ của họ cho phép đưa ra những giải pháp tổng thể đảm bảo an ninh, an toàn cho các hệ thống lớn và phức hợp. Tương tự, không nhất thiết phải sử dụng máy tính thật nhiều mới trở thành người 4.0. Điều quan trọng là mỗi người phải tự nâng cấp chính bản thân mình lên 4.0, với khả năng sáng tạo cao, có thể xây dựng các sản phẩm của CMCN4. Nếu thụ động, sẽ bị công nghệ 4.0 biến mình thành con người 0.4”.

GS.TS Nguyễn Thanh Thủy

Theo Đời sống
back to top