Hình minh họa.
Mỗi năm Việt Nam có 300.000 người chết vì bệnh lao, 180.000 người nhiễm lao mới. Hiện cứ 5 người thì có 2 người nhiễm lao chưa thành bệnh… Những con số kinh hoàng được đưa ra nhân ngày Thế giới phòng chống lao 24/3 khiến nhiều người phải giật mình.
Nhưng tôi nghĩ có lẽ con số trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều bởi môi trường của chúng ta đang bị ô nhiễm nặng từ một thói quen xấu kinh khủng: khạc nhổ ngoài đường.
Với tôi, đi ngoài đường sợ nhất không phải là tắc đường mà là sợ gặp người khạc nhổ. Đi bộ qua trước cửa nhà người khác cũng khạc đờm, nhổ toẹt ra một phát. Đang đi xe máy vù vù cũng quay sang bên cạnh toẹt ra như đít vịt.
Ngồi trong ô tô cũng kéo cửa kính lên để nhổ ra ngoài. Trong bệnh viện, trước cửa trường học, trong công viên… chỗ nào cũng có thể gặp hành vi bẩn thỉu đó.
Người ta cứ thản nhiên như không, coi đó là một việc gì đó bình thường lắm. Mặt đường thành cái bãi nhổ khổng lồ. Rồi gió cuốn đi, theo đó là biết bao vi khuẩn, virus. Dịch bệnh cũng từ đó mà ra, lao cũng từ đó mà ra.
Vậy mà vẫn chả có chế tài nào để xử phạt những kẻ nhổ bậy. Và chính bản thân tôi dù tức lắm, cũng không bao giờ dám nhắc nhở người khác. Sợ họ mắng cho, thậm chí còn đánh cho hay nhẹ hơn thì bảo mình hâm. Vì vậy cùng lắm chỉ là nhắc nhở những người thân của mình đừng làm việc xấu xa, bẩn thỉu như thế. Hoặc nhiều lúc bực quá, tôi chỉ ước, giá mình là người vô hình, để gặp kẻ nào khạc nhổ ra đường thì vả vào mồm cho một cái để lần sau chừa đi. Cái sự bực tức mà không được giải tỏa nhiều khi cứ thành nỗi ấm ức thật khó chịu.
Vì một thế giới không còn bệnh lao là chủ đề của ngày Thế giới phòng chống lao năm nay. Có rất nhiều nội dung được tuyên truyền, nhưng chỉ nói chung chung là phải chủ động phòng chống bệnh lao. Trong khi chỉ một việc đơn giản là không khạc nhổ bậy lại không được nhắc nhở. Chỉ cần tập trung vào thay đổi thói quen này, tôi tin chắc chắn sẽ giảm được số người bị lao đáng kể.
Minh Anh