TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố miền Tây sẽ tiếp tục giãn cách xã hội vì tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp. Bên cạnh việc kiềm chế số ca bệnh gia tăng, các địa phương đang nỗ lực giải bài toán giảm F0 chuyển nặng, tử vong.
Sử dụng sớm thuốc điều trị
"Từ kinh nghiệm trong việc điều trị tất cả trường hợp Covid-19 để hạn chế F0 chuyển biến nặng và tử vong tại TP.HCM, chúng tôi nhận thấy rằng việc áp dụng sớm tư vấn F0 cách ly tại nhà, theo dõi người bệnh là rất quan trọng", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói với Zing.
Ông cho biết từ thực tế điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM, Bộ Y tế đã có nhiều thay đổi và triển khai đồng loạt các giải pháp tại những tỉnh, thành phố phía Nam. Mục tiêu là giảm tải tối đa số lượng bệnh nhân Covid-19 chuyển biến nặng và tử vong.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Duy Hiệu. |
Giải pháp đầu tiên là sửa đổi phác đồ điều trị trên cách thức tiếp cận rộng hơn, đảm bảo tiếp cận tốt nhất với tất cả loại thuốc. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết khi người bệnh xuất hiện những triệu chứng sớm của việc trở nặng, sử dụng thuốc đặc hiệu như thuốc kháng virus, kháng đông, kháng viêm, kháng sinh giai đoạn đầu là cần thiết.
"Chúng tôi khuyến cáo các tỉnh, qua bài học tại TP.HCM, sử dụng càng sớm công cụ điều trị. Đặc biệt, oxy phải cung cấp đầy đủ cho người bệnh, bắt đầu áp dụng thuốc kháng virus để cho thể giảm bớt tải lượng virus trong cơ thể người bệnh kể từ giai đoạn mới nhiễm cho đến khi trở nặng như kháng đông, kháng viêm, thuốc điều trị giảm ho... Tất cả đều rất cần thiết", ông nói.
Chủ động điều trị
Giải pháp thứ 2 theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn là việc xây dựng các trung tâm hồi sức trên địa bàn từ trung ương đến địa phương.
"Số lượng tử vong chúng ta chứng kiến từ đầu dịch chưa bao giờ cao như hiện nay. Do đó, việc xây dựng trung tâm hồi sức là rất cần thiết", ông nói.
Nhân viên cấp cứu 115 đưa bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng đến cơ sở y tế để điều trị. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trước đó, Bộ Y tế chú trọng thiết lập một trung tâm điều trị, hồi sức Covid-19 có quy mô toàn vùng. Ví dụ, đối với 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, trung tâm điều trị hồi sức sẽ được xây dựng ở Đồng Nai.
Hiện tại, các địa phương đã chủ động thành lập trung tâm điều trị. Bình Dương đã đề xuất Bộ Y tế xây dựng Trung tâm điều trị Covid-19 hồi sức khi số lượng bệnh nhân, số F0 nặng và tỷ lệ tử vong cũng bắt đầu tăng. Bộ Y tế rất hoan nghênh sự chủ động này.
"Tôi nghĩ các tỉnh chưa có dịch bùng phát cũng nên rà soát các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện bởi đây là thành trì rất quan trọng để chống lại dịch", Thứ trưởng Sơn nói.
Tập trung nhân lực, vật lực y tế
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh những biện pháp tốt nhất về hồi sức cấp cứu như máy lọc máu, máy thở chức năng cao, ECMO..., đã được đưa từ cả nước về khu vực phía Nam, đặc biệt là TP.HCM và các khu vực lân cận để nâng cao năng lực tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nặng. Bên cạnh đó, những chuyên gia giỏi nhất cũng đang tập trung về TP.HCM.
Bên trong Trung tâm Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện dã chiến số 16 do Bệnh viện Bạch Mai vận hành. Ảnh: Chí Hùng. |
Ngoài các chuyên gia trực tiếp thăm khám, điều trị Covid-19, việc chuyển giao trang thiết bị hiện đại, tập huấn kỹ năng hồi sức cấp cứu là rất cần thiết. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh với sự tập trung nhân lực, vật lực cho trung tâm hồi sức, công tác điều trị bệnh nhân nguy kịch và giảm tỷ lệ tử vong sẽ thực hiện tốt hơn.
Chia sẻ về thời gian có thể kiểm soát đợt bùng phát dịch lần 4 tại phía Nam, ông nhận định việc giảm bớt khu phong tỏa, tăng cường vùng xanh kết hợp nhiệm vụ điều trị giảm tử vong là tiêu chí quan trọng để đánh giá tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương.
Kể từ đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại khu vực phía Nam đến nay, Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ các địa phương dập dịch, điều trị bệnh nhân. Nhiều trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 đã được xây dựng và đi vào hoạt động, giảm tải tỷ lệ F0 chuyển nặng và tử vong.
Bộ Y tế đã sửa đổi các phác đồ về điều trị Covid-19 đảm bảo tiếp cận rộng rãi với tất cả loại thuốc. Tới đây, Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình điều trị thí điểm tại nhà đối với TP.HCM và một số tỉnh, thành phố khác để đảm bảo vấn đề quản lý và điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tại nhà.
Từ ngày 15/8, TP.HCM và nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ sẽ giãn cách xã hội thêm 7-17 ngày vì tình hình dịch bệnh còn phức tạp.