Giá dịch vụ tăng để giữ chân người bệnh ra nước ngoài?
Từ hôm nay 15/8, giá dịch vụ khám chữa bệnh được quy định tại Thông tư 13/2023/TT- BYT Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực.
Khung giá dịch vụ ban hành tại Thông tư này bao gồm mức giá tối đa và tối thiểu, theo đó mức giá cụ thể dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu được phê duyệt không được thấp hơn hoặc cao hơn khung giá quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư.
Cụ thể, theo quy định, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 tối thiểu là 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/ lượt. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh khác giá tối thiểu là 30.500 đồng và tối đa là 300.000 đồng/lượt.
Bộ Y tế cũng nêu rõ, riêng trường hợp mời nhân lực trong nước, nước ngoài đến khám, tư vấn sức khoẻ: đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở khám chữa bệnh và người sử dụng dịch vụ.
Khung giá ngày giường điều trị theo yêu cầu chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế như sau:
Ngày giường điều trị nội trú loại 1 giường giá tối thiểu 180.000 đồng, giá tối đa 4.000.000 đồng; Loại 2 giường: 150.000 – 3.000.000 đồng; Loại 3 giường từ 150.000 – 2.400.000 đồng. Loại 4 giường/phòng: 150.000 – 1.000.000 đồng.
Theo Thông tư 13, phẫu thuật nội soi robot là dịch vụ có giá cao nhất. Trong đó, cao nhất là phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực, giá tối đa hơn 134 triệu đồng; tối thiểu là hơn 91 triệu đồng.
Phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý tiêu hóa, ổ bụng, giá cao nhất hơn 124 triệu đồng, thấp nhất là hơn 96,6 triệu đồng.
Trong danh mục các dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, dịch vụ có mức giá cao nhất là chụp PET/CT mô phỏng xạ trị có mức giá tối đa là hơn 28,7 triệu đồng, giá tối thiểu là hơn 20,5 triệu đồng, chưa bao gồm thuốc cản quang. Với chụp PET/CT, mức giá tối đa là hơn 27,8 triệu đồng, giá tối thiểu là hơn 19,7 triệu đồng.
Giá một số dịch vụ y tế có giá lớn khác như: siêu âm Doppler màu tim 4D giá không vượt quá 826.000 đồng/lượt; Chụp CT 32 dãy có thuốc cản quang giá không vượt quá 1.584.000 đồng/lượt; chụp CT Scanertừ 262 dãy trở lên có thuốc cản quang giá không vượt quá 5.250.000 đồng/lượt; chụp động mạch vành hoặc thông tim chụp buồng tim dưới DSA giá không vượt quá 10.150.000 đồng/lượt; chụp nút dị dạng và can thiệp các bệnh lý mạch thần kinh dưới DSA giá không vượt quá 23.111.000 đồng/lượt; chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang giá không vượt quá 3.701.000 đồng/lượt;...
Từ 15/8, giá khám chữa bệnh sẽ tăng bao nhiêu? |
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Thông tư 13 là tiền đề của việc thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực về tính đúng, tính đủ giá khám chữa bệnh. Thực tế tại Thông tư này, Bộ Y tế cho phép giảm giá khám bệnh cũng như giường bệnh rộng để các bệnh viện áp dụng theo điều kiện của mình.
"Thông tư này theo đánh giá của tôi là hết sức quan trọng để thực hiện nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao. Trên thực tế hiện nay nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao, một bộ phận người dân đi nước ngoài khám chữa bệnh tiêu tốn nguồn lực kinh tế lớn. Nếu các bệnh viện công thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu tốt, người dân không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh, như vậy sẽ tiết kiệm được nguồn lực cho người dân, đất nước.
Thực tế chuyên môn của các bác sĩ và bệnh viện ở nước ta, nhất là bệnh viện tuyến cuối ở nước ta không hề thua kém các bệnh viện trên thế giới, tuy nhiên chúng ta chưa phát huy được hết tiềm năng, khả năng của mình"- ông Cơ nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng việc ban hành Thông tư 13 của Bộ Y tế là kịp thời để đón đầu cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Cùng đó, tôi cho rằng Thông tư 13 tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, điều này giúp cả bệnh nhân và nhân viên y tế đều hưởng lợi.
Viện phí mới thay đổi, người bệnh ảnh hưởng những gì?
Về giá viện phí mới, theo đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng thông tư hướng dẫn viện phí mới cho biết, chiều cùng ngày các chuyên gia đã họp thống nhất dự thảo trước khi gửi Bộ Tài chính xin ý kiến, vì thế viện phí mới sẽ áp dụng nhanh nhất cũng phải từ tháng 10 tới.
Theo ông Lê Văn Phúc, trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), viện phí mới thay đổi do thay đổi về mức lương nên sẽ điều chỉnh chính ở phần nhân công trong giá dịch vụ y tế.
Với kết cấu như vậy, những dịch vụ y tế có phần nhân công cao như tiền khám, tiền giường bệnh, tiền phẫu thuật thủ thuật có kết cấu nhân công cao trong chi phí thì sẽ tăng hơn trước. Còn phí xét nghiệm, chụp chiếu do sử dụng thiết bị nhiều vì vậy chi phí sẽ không tăng nhiều.
"Chúng tôi tính sơ bộ một lần khám sẽ tăng 3.000 đồng ở tất cả các tuyến, mỗi năm trung bình cả nước có 150 triệu lượt khám, phần chi phí bảo hiểm trả tiền khám bệnh sẽ tăng. Tiền giường bệnh sẽ tính theo tùy từng loại giường bệnh. Với mức tăng mới này, quỹ bảo hiểm sẽ chi tăng thêm khoảng 2.900 tỉ và tất cả là phần chi vào nhân công, tăng thêm thu nhập cho y bác sĩ" - ông Phúc nói.
Trong khi đó, phía Bộ Y tế cho biết dự thảo đang xây dựng đã nhận được sự thống nhất của nhiều cơ quan chức năng và viện phí mới sẽ không tăng cao ảnh hưởng đến mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). "Nếu tăng trong mức này thì không ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm nhiều do kết dư bảo hiểm y tế còn 58.000 tỉ đồng" - vị này chia sẻ.
Theo thông báo của Tổng cục Thống kê, CPI quý 2-2023 tăng 2,41% so với cùng kỳ 2022, nếu theo Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) thì viện phí mới (tăng theo lương mới) sẽ không vượt quá mức này.
Với bệnh nhân bảo hiểm, phần lớn phần tăng sẽ do bảo hiểm chi trả, người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế sẽ chi khoản 5 - 20% cùng chi trả. Nhưng khoản này được tính trên mức tăng kể trên cũng là mức tăng chung của CPI, như vậy theo các chuyên gia, là mức chấp nhận được.