<div> <p><span>Ngày 15/7, Chính phủ ban hành Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo đó, từ 01/9, xác nhận sơ yếu lý lịch đã ký sẵn, bị phạt đến 7 triệu đồng.</span></p> <p><span><b><i>Nghị định quy định phạt tiền từ 05 – 07 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:</i></b></span></p> <p><span>– Chứng thực chữ ký trong trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký trước mặt người thực hiện chứng thực hoặc không ký trước mặt người tiếp nhận hồ sơ chứng thực chữ ký;</span></p> <p><span>– Chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký mà không ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu theo đúng quy định; không ghi lời chứng vào trang cuối của bản sao giấy tờ, văn bản có từ 02 trang trở lên; không đóng dấu giáp lai đối với bản sao giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực đã ký có từ 02 tờ trở lên;</span></p> <p><span>– Không ghi lời chứng trong văn bản chứng thực;</span></p> <p><span>– Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người yêu cầu chứng thực ngoài phí, chi phí chứng thực đã được niêm yết;</span></p> <p><span>– Không lưu trữ sổ chứng thực, giấy tờ, văn bản đã chứng thực chữ ký trong thời hạn 02 năm, trừ trường hợp chứng thực chữ ký của người giám định trong bản kết luận giám định tư pháp;</span></p> <p><span>– Không thực hiện báo cáo thống kê số liệu về chứng thực định kỳ 06 tháng và hằng năm;</span></p> <p><span>– Chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký mà không ghi vào sổ chứng thực.</span></p> <p><span>Theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP, xác nhận sơ yếu lý lịch thực chất là chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân. Vì thế, trường hợp người xin xác nhận sơ yếu lý lịch không ký trước mặt người thực hiện chứng thực hoặc không ký trước mặt người tiếp nhận hồ sơ chứng thực chữ ký mà vẫn được chứng thực thì người chứng thực sẽ bị phạt tiền đến 07 triệu đồng.</span></p> <p><span><b><i>Ngoài ra, Nghị định cũng quy định hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:</i></b></span></p> <p><span>– Không đánh số thứ tự từng trang đối với văn bản công chứng có từ 02 trang trở lên;</span></p> <p><span>– Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp phiếu yêu cầu công chứng không đầy đủ nội dung theo quy định;</span></p> <p><span>– Không mang theo thẻ công chứng viên khi hành nghề;</span></p> <p><span>– Tham gia không đầy đủ nghĩa vụ bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm theo quy định.</span></p> <p><span><b><i>Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:</i></b></span></p> <p><span>– Công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định;</span></p> <p><span>– Công chứng không đúng thời hạn quy định;</span></p> <p><span>– Sửa lỗi kỹ thuật văn bản công chứng không đúng quy định;</span></p> <p><span>– Sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng;</span></p> <p><span>– Từ chối yêu cầu công chứng mà không có lý do chính đáng;</span></p> <p><span>– Không dùng tiếng nói hoặc chữ viết là tiếng Việt;</span></p> <p><span>– Không tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên;</span></p> <p><span>– Hướng dẫn nhiều hơn 02 người tập sự tại cùng một thời điểm;</span></p> <p><span>– Hướng dẫn tập sự khi không đủ điều kiện theo quy định;</span></p> <p><span>– Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp thành phần hồ sơ có giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung;</span></p> <p><span>– Từ chối hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng không có lý do chính đáng.</span></p> <div> </div> </div> <p> </p>