Từ đường họ Trương làng Phú Lễ, Quảng Điền,Thừa Thiên- Huế.
Tây Sơn rạn nứt
Năm 1786 sau khi dẹp yên chúa Trịnh ở phương Bắc, đuổi chúa Nguyễn ra khỏi Gia Định, vua Thái Đức phong cho Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương, quản lý đất Gia Định. Trương Văn Đa trở về Quy Nhơn làm quan trong triều và đặc trách dạy dỗ Nguyễn Bảo, con trai vua Thái Đức.
Ngày 16 tháng 2 năm 1792, vua Quang Trung mất, con trai thứ là Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi, đổi niên hiệu là Cảnh Thịnh. Cũng trong năm này, đại quân của chúa Nguyễn từ Gia Định kéo ra đánh vua Thái Đức ở thành Quy Nhơn.
Nhà vua liền sai người đến chỗ vua Cảnh Thịnh xin cứu viện và được chấp thuận. Nhưng khi quân của đối phương rút về, các tướng của Cảnh Thịnh chiếm luôn thành trì của vua Thái Đức.
Tháng 8 năm này, vua Thái Đức uất hận mà qua đời, con cả là Nguyễn Bảo nối ngôi nhưng rồi bị đưa đi an trí ở huyện Phù Ly …
Nhận thấy nội bộ nhà Tây Sơn ngày càng rạn nứt, Trương Văn Đa lấy cớ tuổi cao sức yếu xin được trở về quê An Thái để phụng dưỡng cha già và mất (không rõ năm) trước khi nhà Tây Sơn bị tiêu diệt năm 1802.
Trương Văn Đa có phải Trương Văn An?
Cho đến nay vẫn còn một số tồn nghi về vị danh tướng, vị phò mã nổi tiếng này. Nhiều sách vở ghi chép về Trương Văn Đa cũng như bố ông là Trương Văn Hiến đều thiếu thông tin về tên tuổi, nhất là khi nói về quê quán gốc tích.
Trong cuốn Nhà Tây Sơn, tác giả Quách Tấn, Quách Giao cho rằng: “Trương Văn Hiến, người Hoan Châu (Hà Tĩnh) anh em thúc bá cùng Trương Văn Hạnh”. Một số tài liệu khác, như báo Bình Định thì cho rằng dòng họ này quê ở Nghệ An.
Theo Trương Lê Anh Tuấn, về gốc tích dòng họ vị danh tướng, phò mã Tây Sơn này là người làng Bái Đáp (Phú Lễ, Quảng Phú, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế).
Tuy nhiên, chỉ thấy ghi trong gia phả tên là Trương Văn An và chú thích ông là Tây Sơn phò mã. Vậy Trương Văn Đa có phải là Trương Văn An không? và vì sao lại có những vấn đề uẩn khúc về vị phò mã Tây Sơn tiếng tăm lừng lẫy một thời này.
Theo gia phả họ Trương làng Phú Lễ thì bố của Trương Văn An là ông Trương Văn Hào thuộc đời thứ 8. Ông này sinh ra Trương Văn Bích và Trương Văn An là đời thứ 9. Gia phả này chú thích ngắn gọn ông Trương Văn Bích là đô đốc quan trí sĩ.
Theo Trương Lê Anh Tuấn thì ông Hào chính là ông giáo Hiến, thầy dạy ba anh em Tây Sơn, ông Bích chính là đô đốc Tây Sơn Trương Văn Luân và ông Trương Văn An chính là phò mã Trương Văn Đa.
Một số tài liệu viết rằng Trương Văn Luân là hàng tướng của Nguyễn Ánh được lưu dụng, làm quản lĩnh quân ngũ. Cuốn Đại Nam thực lục có đoạn viết rằng Nguyễn Ánh “sai hàng tướng là đại Đô đốc Trương Văn Luân mộ những dân ngoại tịch từ Ma Li đến Phù My lập làm thuộc quân, theo Chưởng Tiền quân Nguyễn Văn Thành sai khiến”.
Về phò mã Trương Văn Đa, lịch sử cho thấy, vua Thái Đức có ba công chúa đều gả cho ba phò mã nổi tiếng, trong đó hai vị chết dưới đao kiếm Tây Sơn.
Một là phò mã Nguyễn Phúc Dương (cháu nội chúa Nguyễn Phúc Khoát) ông chống quân Tây Sơn thất bại bị giết tại Gia Định vào năm 1777, một phò mã khác là Vũ Văn Nhậm do lộng quyền đã bị Nguyễn Huệ hạ lệnh giết tại Thăng Long. Còn lại phò mã Trương Văn Đa…
Tuy nhiên theo Trương Lê Anh Tuấn thì “lúc đó công chúa chánh thất của Phò mã Trương Văn Đa đã mất, lại nhìn thấy họa diệt vong do lục đục nội bộ triền miên không thể dàn xếp của Triều đình nhà Tây Sơn sau khi Hoàng đế Quang Trung qua đời, nên ông đã cáo bệnh xin về và tục huyền cùng một bà kế thất họ Trần.
(còn nữa)
Nguyễn Bảo Nam