<div> <p>Ngày 6/8, cháu L.H.L. (6 tuổi), học sinh lớp 1 Tokyo tại trường Tiểu học Quốc tế Gateway Cầu Giấy, Hà Nội, tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường. Sự việc khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót. Không ít phụ huynh cho biết họ run sợ khi nghĩ lại chuyện con mình vẫn đến trường bằng xe buýt mỗi ngày.</p> <p>Đêm xảy ra vụ việc, một số trường tư có cung cấp dịch vụ đưa đón trẻ bằng xe buýt đã có thông báo đến phụ huynh, học sinh. Điển hình, thư ngỏ của Hiệu trưởng trường Marie Cuire đã gửi ngay trong đêm 6/8. Trong thư, ông Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng nhà trường, cho biết đã báo động đỏ trong toàn hệ thống về việc đưa đón hoc sinh bằng xe buýt.<strongr><strongr></strongr></strongr></p> <h3>Giáo viên và học sinh lớn cùng quản trẻ nhỏ</h3> <p>Chị T.H., một bà mẹ có con đi học bằng xe của trường, cho biết trong quá trình tìm hiểu để chọn trường cho con, chị xem xét kỹ quy trình đưa đón.</p> <p>Nữ phụ huynh nhận thấy về cơ bản, trường có quy trình rõ ràng. Các tuyến xe của trường đều do chính giáo viên chủ nhiệm quản lý, không thuê người người nên khá yên tâm vì các cô nhớ mặt và sát sao với học sinh hơn.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Truong tu 'bao dong do' viec dua don tre bang xe buyt hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/08/07/cong_zing(1).jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Sự tắc trách của người lớn khiến nam sinh trường Gateway tử vong. Ảnh: <em>Sơn Hà.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Giáo viên phụ trách việc điểm danh học sinh lúc lên xe vào buổi sáng và xuống xe vào buổi chiều, trực tiếp làm việc với phụ huynh để đảm bảo nhận, trả trẻ an toàn.</p> <p>Ngoài ra, khi xe tới trường, giáo viên phụ trách tuyến xe kiểm tra lại xe lần cuối để đảm bảo mọi học sinh trên xe đã xuống hết, tránh trường hợp ngủ quên trên xe.</p> <p>Lúc đưa trẻ từ trường về nhà, người này chịu trách nhiệm điểm danh, nhìn rõ mặt học sinh và người đón đảm bảo không để sót các em tại trường.</p> <p>Một điểm khác khiến phụ huynh yên tâm hơn là trường thông báo từ đầu sẽ huy động học sinh lớp lớn hỗ trợ giám sát các em nhỏ hơn. Theo chị H., hầu hết trẻ ngủ quên trên xe còn quá nhỏ tuổi. Khi học sinh lớn cùng tham gia, việc quản lý và đảm bảo an toàn cho các em khi đến trường bằng xe buýt hiệu quả hơn.</p> <p>Tại trường Marie Quire, ngay sau tiếp nhận thông tin vụ việc, nhà trường đãđưa ra các tình huống nguy hiểm trẻ có thể gặp phải khi di chuyển bằng xe buýt đưa đón và hướng dẫn cách xử lý:</p> <p>- Học sinh có thể ngủ quên trên xe: Trưởng xe và lái xe phải kiểm tra trước khi đưa xe về bãi tập kết, đồng thời báo cáo về trung tâm quản lý xe theo quy định.</p> <p>- Học sinh có thể ngã hoặc va vào phương tiện khác khi lên xuống xe: Lái xe cần đỗ sát vỉa hè và quan sát kỹ trước khi đóng/mở cửa xe và chuyển bánh</p> <p>- Xe có thể đụng phải học sinh khi ra/vào nơi tập kết lúc tan học: Lái xe phải đi chậm và tuân theo sự dẫn dắt của giám thị.</p> <h3>Điểm danh, giao tận tay trẻ cho giáo viên, phụ huynh</h3> <p>Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó tổng hiệu trưởng trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan, cho rằng vụ việc cháu bé học sinh trường Gateway là rất đáng tiếc và đau lòng.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Truong tu 'bao dong do' viec dua don tre bang xe buyt hinh anh 2 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/08/07/backtoschoolsafety.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Giáo viên quản lý xe cần điểm danh trẻ, kiểm tra xe cẩn thận tránh trường hợp trẻ ngủ quên. Ảnh minh họa: <em>US Air Force.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>"Không rõ trên xe có bao nhiêu trẻ, nếu quá đông có thể dẫn tới việc trẻ lên xuống xe mà giáo viên không kiểm tra lại số trẻ trên danh sách. Hoặc cũng có thể đầu năm học, em này là học sinh mới nên giáo viên chưa nhớ hết số học sinh trên xe. Cộng cả 2 yếu tố này mà không có danh sách điểm danh hàng ngày thì sẽ sót”, bà Huyền nói.</p> <p>Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan sử dụng xe của chính nhà trường, không hợp đồng với xe bên ngoài. Do đó, quy trình đưa đón học sinh là mỗi sáng tài xế và giáo viên phụ trách đưa đón sẽ khởi hành từ trường, di chuyển qua các điểm để đón trẻ tới trường.</p> <p>Khi xuống xe vào trường, trẻ phải xếp hàng, cô quản xe điểm danh rồi mới dắt vào lớp giao cho giáo viên, giáo viên ghi nhận và điểm danh học sinh một lần nữa.</p> <p>Nếu học sinh thay đổi lịch trình như không đi xe buýt của trường mà được gia đình hay ông bà đưa đón cần báo cho cô quản xe hoặc điều phối viên học tập.</p> <p>Giáo viên phụ trách đưa đón sẽ báo cho giáo viên nếu học sinh đi xe buýt của trường nhưng nghỉ học hoặc đổi lịch trình. Học sinh nghỉ học, giáo viên báo cho bên điều phối viên học tập, người này có trách nhiệm gọi cho phụ huynh trong ngày để hỏi lý do vắng.</p> <p>Mỗi chiều, khi học sinh tan lớp, cô quản xe nhận trẻ và ký, xác nhận đã nhận bao nhiêu trẻ, giáo viên điểm danh đã trả những học sinh nào. Sau đó, người phụ trách đưa đón đưa trẻ ra xe và trả từng điểm đón. Cô quản xe chỉ giao học sinh cho cha mẹ, người thân của trẻ mà gia đình đã thông báo hoặc đăng ký.</p> <p>Đồng thời, bà Huyền cho biết nếu quá trình di chuyển trên xe, học sinh gặp sự cố, tài xế, giáo viên phụ trách đưa đón phải ghi chú lại theo mẫu.</p> <p>Nhà trường thiết kế 3 mẫu ghi nhận sự cố. Nếu học sinh có vấn đề sức khỏe, vi phạm kỷ luật, cô quản xe, tài xế hoặc học sinh làm chứng sẽ phải ghi nhận vào mẫu để báo lại nhà trường.</p> <p>Tối 6/8, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đây là sự việc rất đau lòng và đã chỉ đạo UBND quận Cầu Giấy cùng các ban ngành chức năng theo dõi, làm rõ và xử lý nghiêm vụ việc.</p> <br /> <br /> <coccocgrammar></coccocgrammar></div> <p> </p>