Không được ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo
Ngày 4/9, Bộ GD&ĐT ban hành công văn số 3401/BGDĐT-GDTH gửi Sở GD&ĐT các tỉnh thành về việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học.
Công văn nêu rõ, thời gian vừa qua, một số phụ huynh đã phản ánh với cơ quan báo chí về tình trạng một số trường tiểu học yêu cầu phụ huynh học sinh mua sách giáo khoa (SGK), tài liệu tham khảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT) đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021 không đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Do đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT triển khai, thực hiện nghiêm túc một số nội dung về vấn đề này.
Cụ thể, Sở GD&ĐT phải thực hiện nghiêm túc các nội dung về SGK và tài liệu tham khảo đã dược quy định tại Điều lệ trường Tiểu học ban hành kèm theo kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT (ngày 30/12/2010) của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Trong đó quy định rõ, đối với bộ SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021 thực hiện theo CT GDPT 2018 đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, gồm 8 môn học bắt buộc: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và 01 môn học tự chọn là môn Tiếng Anh. Trường tiểu học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về SGK sử dụng tại trường để học sinh và gia đình học sinh biết, thực hiện mua sắm.
Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các quy định trên để việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo cho học sinh đảm bảo đúng, đủ, hiệu quả, tránh lãng phí.
Cần công khai danh mục sách giáo khoa, sách tham khảo
Theo tìm hiểu của phóng viên KH&ĐS, có những cuốn sách tham khảo, mua rồi không bao giờ dùng đến. Ví dụ, những cuốn như vở bài tập tự nhiên và xã hội, bài tập lịch sử, bài tập địa lý, bài tập khoa học… hầu như để không. Đối với các sách nâng cao thì cũng chỉ những học sinh khá, giỏi mới làm được. Tuy nhiên, nếu không mua thì lại sợ con không có sách để dùng. Đặc biệt là những buổi học tăng cường.
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về vấn đề này, cô giáo Lê Huyền, Tổ trưởng khối 3, Trường Tiểu học Thụy Lâm A, Hà Nội cho biết, tiết buổi chiều, đối với những học sinh chưa hoàn thành việc học buổi sáng thì sẽ để cho các con hoàn thành nốt nhiệm vụ của mình. Còn với những em đã hoàn thành, thì cô giáo giao cho các em bài tập khó hơn. Thường cô giáo sẽ ghi đề bài lên bảng, học sinh chép, làm vào vở.
Những tiết dành cho buổi chiều thường là: Tiếng Anh (bổ trợ), sinh hoạt tập thể, hướng dẫn học sinh học và chuẩn bị bài ngày hôm sau, hai tiết tăng cường mỹ thuật và âm nhạc để hỗ trợ những học sinh chưa hoàn thành hoặc bồi dưỡng những em vẽ đẹp.
“Trong đó, chỉ có đối với môn Tiếng Anh, cần phải có sách bổ trợ thì học sinh mới học được. Còn tất cả các loại sách bồi dưỡng, nâng cao khác, không bắt buộc. Và giáo viên phải soạn bài các tiết tăng cường buổi chiều”, cô Huyền nói.
Cô giáo Nguyễn Thu Hương, giáo viên Trường Tiểu học Chân Mộng, Đoan Hùng, Phú Thọ cũng cho biết, việc nhà trường, dù bất kỳ dưới hình thức nào ép buộc phụ huynh mua sách tham khảo là không đúng.
Buổi học thứ hai là buổi ôn luyện các kiến thức đã học ở buổi 1. Đối với những em học yếu, giáo viên sẽ bồi dưỡng thêm cho các em. Hướng dẫn các em làm bài tập, chuẩn bị cho bài ngày hôm sau.
Theo cô Hương, hiện nay, nhiều phụ huynh phải mua sách ngoài danh mục sách giáo khoa là do nhiều trường “nhập nhèm”, khiến phụ huynh không nhận biết được đâu là sách giáo khoa, đâu là sách tham khảo. Chính vì vậy, các trường cần công khai rõ danh mục này để phụ huynh được biết. Và các phụ huynh cũng đừng lo con mình sẽ không có sách học nếu không mua sách tham khảo. Bởi vì, ngoài buổi 1 học sách giáo khoa, thì các tiết dạy tăng cường, giáo viên phải soạn giáo án, thiết kế bài giảng, chứ không phải dạy theo sách tham khảo.
Nếu các phụ huynh nắm rõ và từ chối, thì chắc chắn trường cũng không dám làm bừa. Vì không có quy định nào ép phụ huynh phải làm vậy cả.
Theo các giáo viên, hiện tại, theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT (ngày 30/12/2010) của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có quy định về việc cấm các cơ sở giáo dục ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo. Tuy nhiên, cần có chế tài xử phạt đủ mạnh, để các trường không “ngụy trang” việc ép mua này dưới nhiều hình thức khác nhau.