Trường chuyên: Tuyển “thô” đừng “tinh”

(khoahocdoisong.vn) - Có những em được ôn luyện đúng dạng bài đề thi sẽ trúng tuyển, điểm cao. Nhưng thực tế quá trình học, lại không bằng các em khác. Khâu tuyển chọn đầu vào cần được xem xét lại, nên “thô”, đừng “tinh”.

Cần tìm những nhân tố đặc biệt trong đám đông

Theo tôi, mô hình trường chuyên là cần thiết. Trong đám đông, vẫn cần phát hiện ra những nhân tố có năng lực vượt trội, tạo một môi trường để các em có thể phát huy được hết những năng lực đó, thì đó chính là nhiệm vụ của trường chuyên. Không thể đánh đồng những em này với đại trà được.

Điều này cũng phù hợp với chủ trương phân luồng của Bộ GD&ĐT. Đối với những em có tố chất, khả năng vượt trội thì cần có sự chắt lọc từ các trường THCS, nuôi dưỡng tạo nguồn lực có chất lượng cao cho các trường đại học. Và cũng không hề mất công bằng với các học sinh khác. Bởi vì, năng lực của mỗi học sinh là khác nhau, theo đó, có những định hướng nghề nghiệp khác nhau.

Tuy nhiên, vấn đề làm sao để phát hiện được những em có năng lực vượt trội đó, đây là điều đáng bàn.

Hiện nay, theo tôi, khâu tuyển chọn đầu vào đang tồn tại một số vấn đề cần phải xem xét lại.

Để thi vào trường chuyên, nhiều em đã đi học thêm, ôn luyện ở các “lò” rất vất vả. Từ đó, nảy sinh một thực tế, với những em có điều kiện tốt hơn, thì khi thi tuyển, kết quả sẽ có sự vượt trội so với các bạn.

Tuy nhiên, khi vào học cùng một thầy, cùng trong một môi trường, thì những học sinh này lại không hẳn là những học sinh có năng khiếu.

Hoặc lại có những em đến khi vào trường học lớp chuyên Toán, nhưng rồi lại mới phát hiện ra mình yêu thích, có năng lực với môn Sinh.

Cho nên, ở khâu đầu vào, tôi mong Bộ GD&ĐT sẽ xem xét lại cách tuyển chọn, nên tuyển “thô”, đừng “tinh”. Làm sao để phát hiện ra đúng các em có năng khiếu, năng lực, chứ không phải do được “luyện thi”.

Trần Ngọc Khánh, học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long, Huy chương đồng Olympic Vật lý Châu Âu 2019.

Trần Ngọc Khánh, học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long, Huy chương đồng Olympic Vật lý Châu Âu 2019.

Tôi cho rằng, ở cấp THCS, tất cả các môn, cả khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội cũng mới chỉ là nhập môn. Việc tuyển chọn chỉ cần ở ba nhóm đối tượng.

Thứ nhất, tuyển các em ở bộ môn Khoa học tự nhiên, thì cũng chỉ nên quan tâm ở việc các em có năng lực tư duy logic hay không, thể hiện bằng môn Toán.

Thứ hai, đối với các môn thuộc Khoa học xã hội, thì tuyển qua môn Văn, tức là khả năng quan sát, viết, cảm nhận được, nói ra được.

Cuối cùng là môn Ngoại ngữ, thì các em có sự hoạt ngôn, có năng khiếu về ngôn ngữ ra sao…

Chứ hiện nay, trong tuyển chọn, chúng ta đang tự áp đặt cho học sinh 10 môn chuyên, và các em cũng không biết rằng mình có năng khiếu thực sự hay không, bố mẹ các em cũng không biết được điều đó.

Cũng có em ngộ nhận về năng khiếu của mình, như tôi đã nói, vào học Toán rồi mới nhận ra mình có năng khiếu về Sinh.

Ngoài ra, từ thực tế tôi thấy, nếu các em có đam mê, yêu thích với một môn nào đó, thì đến 90% là các em có năng khiếu về môn đó (nếu mà không học được, thì các em không thể yêu thích hay đam mê). Đây cũng là một trong những điểm để nhận biết.

Đặc biệt, không nên đưa tiêu chí về điểm số học bạ khi tuyển chọn. Những điểm số cao ở bậc tiểu học, không có ý nghĩa trong việc phản ánh được năng khiếu hay năng lực vượt trội ở học sinh.

Đánh giá tài năng qua các cuộc thi học sinh giỏi là chưa đủ

Khi đã lựa chọn được những học sinh có năng lực vượt trội rồi, thì điều quan trọng là làm sao để có được một môi trường để các em phát huy, bộc lộ, nuôi dưỡng tài năng.

Hiện nay tôi thấy, chúng ta chỉ có một kỳ thi được coi là đánh giá “tài năng” duy nhất là kỳ thi học sinh giỏi. Theo tôi, điều này chưa đủ, thậm chí có người ví chúng ta đang tạo ra những “robot” chỉ biết đi thi ở một môn nào đó, tôi thấy cũng cần phải suy ngẫm.

Trong khi đó, còn rất nhiều học sinh có tài năng, nhưng không hẳn giỏi về một bộ môn văn hóa nào. Ví dụ như tổ chức sự kiện hay là là tranh biện…

Khi chưa có môi trường để các em bộc lộ thì cũng không thể phát hiện được. Tức là tài năng đang bị ẩn. Cho nên, tôi mong rằng, cần có một môi trường trường chuyên tốt hơn nữa để học sinh có thể bộc lộ được hết những năng lực của mình.

Về chương trình học, thì vẫn phải tuân theo chương trình chuẩn của giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, bên cạnh cái chuẩn đó, trường chuyên còn có nhiệm vụ phát hiện và nuôi dưỡng nhân tài, cho nên cần có một sự tự chủ, để làm sao thực hiện được nhiệm vụ đó.

Từ tất cả những phân tích trên, theo tôi, trường chuyên theo tôi vẫn là một mô hình cần có. Cũng có ý kiến cho rằng, cần xem lại mục tiêu đào tạo của trường chuyên. Nếu chỉ là đào tạo ra những học sinh vào được đại học, thì những trường “thường” cũng có thể làm được, không cần tồn tại trường chuyên.

Tất nhiên, sẽ vẫn có những em không học chuyên mà vẫn là tài năng, vẫn có những kết quả tốt. Tuy nhiên, tôi cho rằng, với đa số, sẽ có sự khác biệt ở bệ phóng. Với một môi trường học tập tốt, bạn bè có chí hướng, đội ngũ thầy cô được tuyển chọn, các em học sinh chuyên sẽ có những bước dậm nhảy tốt hơn.

Qua theo dõi các em tốt nghiệp ra trường, thì thấy rằng, các em tiếp tục có những sự phấn đấu trên con đường học tập, nghiên cứu. Một số em có những vị trí, giữ những trọng trách trong xã hội.

Hiện nay, học sinh trường chuyên cũng đã được giáo dục toàn diện các kỹ năng sống, chứ không chỉ là học văn hóa, lượng thí sinh đăng ký thi vào chuyên cũng nhiều hơn qua mỗi năm. Đó là những điểm tích cực.

Trong quan điểm giáo dục của tôi, không có khái niệm học sinh giỏi hay học sinh dốt, học sinh yếu và kém mà chỉ là chúng ta đã phát hiện ra năng lực của học sinh hay chưa. 

Cũng có những học sinh, môi trường giáo dục phổ thông chưa đủ để các em bộc lộ được năng khiếu của mình, khi nào giáo dục theo năng lực thì mới làm được điều đó. Nhưng đối với trường chuyên, nhiệm vụ vẫn phải là làm sao phát hiện ra những em có năng khiếu thực sự, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Trịnh Đình Hải, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hạ Long, Quảng Ninh

(Mai Loan ghi)

Theo Đời sống
back to top