Cần nhìn trường chuyên trong tính lịch sử
Trong số 23 thành viên của các đội tuyển Olympic quốc tế năm nay, đội tuyển Olympic Toán học quốc tế IMO có 6 thành viên.
Học sinh các đội tuyển này, đều được tuyển chọn từ các kỳ thi học sinh giỏi Toán Quốc gia.
Đi cùng những ý kiến phản đối trường chuyên, lớp chọn, nhiều quan điểm cho rằng, cần bỏ các kỳ thi học sinh giỏi, kể cả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Bởi vì, nó sẽ tạo nên cuộc đua thành tích, tạo ra những con “robot” chỉ biết đi thi.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có rất nhiều ý kiến bảo vệ, cho rằng cần tồn tại mô hình trường chuyên, cần những cuộc thi học sinh giỏi.
Trao đổi với KH&ĐS về vấn đề này, GS.TS, Trần Công Phong, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, sứ mạng của giáo dục là phải bồi dưỡng nhân tài, mà bồi dưỡng nhân tài là phải có trường chuyên.
Và cần nhìn trường chuyên, các cuộc thi trong “tính lịch sử” của nó.
Theo tư liệu, lớp chuyên Toán đầu tiên được thành lập vào ngày 14/9/1965.
GS Hoàng Tụy và nhà toán học Nga nổi tiếng L.V.Kantorovich - chuyên gia hàng đầu thế giới về ứng dụng toán học vào kinh tế, đã được giải thưởng Nobel năm 1974. Ảnh tư liệu. |
Ý tưởng đầu tiên thành lập lớp chuyên Toán, thuộc về GS Hoàng Tuỵ, nguyên là Chủ nhiệm khoa Toán, trường ĐHTH HN trên cơ sở tham khảo cách làm của Liên Xô (cũ). Và được sự ủng hộ mạnh mẽ của GS Lê Văn Thiêm, Phó Hiệu trưởng, người anh cả của nền Toán học Việt Nam hiện đại; của GS Nguỵ Như Kon Tum, Hiệu trưởng; của GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ ĐH và THCN.
Đặc biệt là của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người mà khi còn sống luôn luôn quan tâm đến giáo dục, nói riêng là việc đào tạo học sinh giỏi (Quyết định thành lập Lớp Toán đặc biệt đầu tiên năm 1965 do Phó Thủ tướng Phạm Hùng ký thay Thủ tướng Chính phủ).
Giữa lúc cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ bước sang giai đoạn vô cùng khốc liệt trên cả hai miền Nam, Bắc, sự ra đời của lớp chuyên Toán đầu tiên đã chứng tỏ, việc đào tạo học sinh năng khiếu, học sinh giỏi đã được quan tâm đặc biệt.
Quyết định thành lập lớp chuyên Toán đầu tiên năm 1965. Ảnh tư liệu. |
Chính cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chỉ thị cho GS Lê Văn Thiêm, Phó Hiệu trưởng, GS Hoàng Tụy, CN Khoa Toán, ĐH Tổng hợp HN: “Dù chiến tranh ác liệt đến đâu, trường ta vẫn phải đi đầu mở các lớp Toán”.
Lúc đầu, lớp được gọi là “Lớp Toán đặc biệt”, sau được đổi thành “Lớp Toán dự bị” rồi “Lớp Chuyên toán”, được dùng cho đến ngày nay.
Cái tên A0 là tên viết tắt thời đi sơ tán trong chiến tranh chống Mỹ. Cả Trường ĐHTH Hà Nội sơ tán trên Thái Nguyên được gắn ký hiệu mật là T104, Khoa Toán là A, Khoa Lý là B, Khoa Hoá là C...
Một năm sau khi Lớp chuyên Toán, Trường ĐHTH HN ra đời, các lớp chuyên Toán tại Khoa Toán, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Khoa Toán, trường ĐH Sư phạm Vinh và một số nơi khác ở Hà Nội và các địa phương cũng lần lượt được thành lập.
Và đến bây giờ, từ cái mốc, lớp chuyên Toán đầu tiên ấy, chúng ta đã có được một hệ thống các trường, lớp chuyên ở bậc THPT trong cả nước, không chỉ cho môn Toán mà nhiều môn học khác.
Năm 1974, lần đầu tiên VN (và Mỹ) tham dự IMO tại CHDC Đức. Điều đặc biệt là, chúng ta cũng chính là nước đầu tiên của cả châu Á tham dự IMO: Trung Quốc bắt đầu từ 1985, Hàn Quốc 1988, CHDCND Triều Tiên 1990, Nhật Bản 1990, Thái Lan 1989, Singapore 1988, Ấn Độ 1989; ở các châu lục khác: Cuba 1971, Úc 1981, Algerie 1977, Nam Phi 1992.
Đội tuyển học sinh tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế IMO đầu tiên cùng các thầy giáo năm 1974. Ảnh tư liệu. |
Báo Bưu điện CHDC Đức ngày 26/8/1974 viết: “Người ta vỗ tay lâu nhất để hoan nghênh đoàn HS VN lần đầu dự thi với 5 em đã chiếm 4 giải, trong đó có một giải vàng. Làm thế nào mà giải thích nổi, tại sao những HS của một đất nước đang trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc lại có được một vốn kiến thức toán học tốt như vậy”.
Từ năm 1974 (với giải nhất Toán quốc tế đầu tiên của Việt Nam của TS Hoàng Lê Minh) cho đến nay, đội tuyển VN thường được xếp (mặc dù không chính thức) vào tốp 10 nước mạnh nhất trên thế giới.
Không gì bằng một cuộc sống hài hòa
Bảo vệ quan điểm cần trường chuyên để có một môi trường đào tạo nhân tài và tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc tế như một sân chơi với các nước, tuy nhiên, khi phỏng vấn ý kiến các học sinh học chuyên, trong đó có cả những người từ thế hệ lớp chuyên toán đầu tiên 1965, có người là những chuyên gia giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng, cần nhưng đừng thái quá, không nên quá coi trọng và quá tung hô thành tích các kỳ thi học sinh giỏi.
“Chính Albert Einstein, nhà bác học vĩ đại của mọi thời đại, đã lưu ý chúng ta: “Nhà trường phải luôn luôn tạo cho học trò một cá tính cân đối chứ không nên biến chúng thành một nhà chuyên môn”, một cựu học sinh chuyên Toán, ĐH Tổng hợp chia sẻ.
Theo những chia sẻ này, cuộc sống là cả một cuộc chạy dài, chứ không phải chỉ ở vài kỳ thi. Điều quan trọng là làm sao để chuẩn bị cho học sinh đủ sức để chạy "marathon” trong cả cuộc đời.
Trường chuyên hiện nay dễ tạo nên những học sinh giống như con robot, điều đó là không nên. Tất nhiên, học môn chuyên nào thì vẫn cần đào sâu, tập trung mũi nhọn vào môn chuyên đó. Tuy nhiên, cần đào tạo các em trở thành những con người hài hòa, không gì bằng một cuộc sống hài hòa.
Trên con đường chạy marathon, các em cũng có lúc phải biết dừng lại nghỉ, biết cảm nhận, ngắm nhìn một bông hoa đẹp buổi sớm mai, lắng nghe một bản nhạc hay, tiếng chim hót, đồng cảm với giọt mồ hôi, nỗi vất vả của người nông dân...
Các em cần phải được giáo dục để trở thành một công dân toàn cầu. Và công thức của một công dân toàn cầu, tạm nói ngắn gọn đó là: Sức khỏe tốt + khối óc tốt + trái tim nhân hậu + kỹ năng sống tốt + tiếng Anh + công nghệ thông tin.
Trong đó, khối óc tốt chỉ là một phần. Nếu anh có tài, trí tuệ tốt, nhưng trái tim anh nguội lạnh, vô cảm thì điều đó cũng là vô nghĩa.
Và trường chuyên phải hướng tới mục đích giáo dục tạo nên một con người hài hòa, một công dân toàn cầu như vậy.
Cũng nói về vai trò của trường chuyên trong việc bồi dưỡng, đào tạo nhân tài và đào tạo một con người toàn diện, GS.TS Trần Công Phong chia sẻ: "Các trường chuyên phải thay đổi chương trình. Làm sao để những học sinh trường chuyên ra phải là những người tài, tài hơn những người khác. Chứ không phải chỉ là có nhiều kiến thức hơn người khác.
Làm sao để khi học xong trường chuyên, khung năng lực, khung cảm xúc xã hội phải hơn bình thường. Chứ còn hiện nay chúng ta chỉ mới nói, học sinh trường chuyên có kiến thức cao hơn, chứ không phải có khung năng lực cao hơn".
Môi trường trường chuyên đã cho tôi rất nhiều thứ. Ở nơi đó, tôi đã được học các thầy cô tốt, bạn bè đều có chí hướng, có sự cạnh tranh nhất định. Ngoài kiến thức, tôi học được kỷ luật trong học tập, sự nghiêm túc trong công việc. Tuy nhiên, nếu được quay trở lại những năm tháng học chuyên, tôi vẫn muốn mình dành nhiều thời gian cho thể thao, các hoạt động ngoại khóa, vui chơi nhiều hơn nữa, chứ không chỉ biết học và học”, Nguyễn Thanh Tùng, Cựu học sinh Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ.