Trường chuyên: Cần làm rõ thế nào là “có năng khiếu”, “có tài năng”

(khoahocdoisong.vn) - Nhiệm vụ của trường chuyên là tìm kiếm và bồi dưỡng, đào tạo nhân tài. Nhưng những học sinh trường chuyên, với cách tuyển dụng, đào tạo hiện nay có thực sự là nhân tài hay không? Tôi cho rằng, trước hết, cần làm rõ thế nào là học sinh “có năng khiếu”, “có tài năng”.

Học sinh chuyên thực sự có năng lực vượt trội?

Từ những lớp chuyên Toán cấp 3 đầu tiên bắt đầu được thành lập từ năm 1966 tại một số tỉnh, thành phía Bắc và cho tới nay, nước ta đã có 86 trường THPT Chuyên ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tại một số trường đại học.

Đề án về phát triển hệ thống trường THPT Chuyên giai đoạn 2010-2020 (ngày 24/6/2010 theo Quyết định số 959/QĐ –TTg) xác định trường THPT Chuyên là nơi“đào tạo đội ngũ nhân lực có chất lượng, tìm kiếm và bồi dưỡng nhân tài về mọi mặt, đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ của trường chuyên là nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học và sáng tạo của học sinh. Học sinh trường chuyên sẽ phát triển dựa trên trình độ, năng lực và đặc biệt là năng lực tự học, khả năng sáng tạo của học sinh, của giáo viên.

Trong khoa học giáo dục, xu hướng Dạy học phân hóa vẫn được coi trọng ở hầu hết các nền giáo dục. Vì thế, thì chắc chắn rằng những học sinh đặc biệt theo dấu hiệu vượt trội về nhận thức, tư duy, năng khiếu thì đều cần được giáo dục theo cách riêng mà chúng ta quen gọi là “giáo dục, bồi dưỡng nhân tài”. Vì vậy, trường chuyên chính là môi trường giáo dục cho những trẻ đặc biệt như vậy.

Tuy nhiên, có rất nhiều lĩnh vực cần chăm chút đào tạo bồi dưỡng năng khiếu, năng lực cho trẻ chứ không chỉ có lĩnh vực nhận thức, cũng như chúng ta cần làm rõ thế nào là học sinh “có năng khiếu”, “có tài năng”.

Tôi đã đọc một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học về tiềm năng sáng tạo của con người là Gajda, Karwowski và Beghetto được công bố năm 2017, họ đã tổng hợp và phân tích 120 nghiên cứu (từ năm 1960 trở lại đây) đánh giá mối quan hệ giữa năng lực sáng tạo và thành tích học tập của học sinh.

Kết quả cho thấy, mối tương quan trung bình giữa sáng tạo và thành tích học tập là r = 0,22 và mối quan hệ này không thay đổi theo thời gian.

Nhưng khi được hỏi một số nhà quản lí, giáo viên ở Việt Nam rằng “những học sinh trường chuyên được chọn có thực sự có năng lực sáng tạo vượt trội so với các bạn cùng lứa?” thì chúng tôi chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Hay nói cách khác, việc thi tuyển theo các tiêu chí mà chúng ta đang làm, cách đào tạo, nội dung đào tạo… ở trường chuyên mới thực sự là vấn đề cần quan tâm.

Lầm tưởng “có giải cao nghĩa là có tài năng”

Vì sao tôi lại nói như vậy? Quan sát những năm gần đây, không ít thầy cô giáo giàu kinh nghiệm và những chuyên gia lo lắng vì trường chuyên được mở ra ở khắp các tỉnh thành, khiến chúng trở thành “một trường chất lượng cao” hơn là một trường chuyên.

Trong trường chuyên, có những lớp cận chuyên chỉ để dành cho những em “khá, có điều kiện” và “trường là môi trường tốt, luyện thi đại học, luyện thi học sinh giỏi”.

Thành tích ở các kì thi đang có vẻ lấn án mục tiêu giáo dục tài năng. Những lầm tưởng rằng “có giải cao nghĩa là có tài năng” đã khiến cho các nhà trường, các thầy cô giáo, các học sinh tập trung quá nhiều cho việc luyện thi.

Từ đó, dẫn tới nhiều hiện tượng tiêu cực: Học luyện đến mức nhớ dạng, nhớ bài; học luyện đến không còn thời gian, cho trí tuệ sáng tạo, cho khám phá, cho nghiên cứu; học luyện đến thiếu kĩ năng, thiếu hiểu biết về đời sống, về thế giới khoa học xung quanh, thiếu định hướng lâu dài…

Nhất là ở khâu thi tuyển, những bài thi theo mô thức quen thuộc, dẫn tới một phong trào luyện thi đầu vào nở rộ.

Chúng tôi đang thực hiện một nghiên cứu về tác động của những kì thi tuyển này, để thử đo lường chất lượng cũng như những hậu quả mà nó tạo ra cho xã hội.

Hơn 60 năm qua, đã không ít người lo lắng vì tỉ lệ thành công vượt trội của học sinh trường chuyên trong những lĩnh vực khoa học, lĩnh vực chuyên sâu mang tính dẫn dắt là không như mong đợi. Tôi cho rằng, đó cũng là một lí do thúc giục chúng ta xem xét lại quá trình thi tuyển và nội dung đào tạo.

Vẫn đang thiếu một môi trường phát hiện, bồi dưỡng nhân tài

Ở một số quốc gia, một số lĩnh vực, việc xã hội hóa bồi dưỡng năng khiếu, tài năng đã được diễn ra từ lâu. Ví dụ như trong nghệ thuật và thể thao. Những nước phát triển họ rất thành công khi xã hội hóa đào tạo năng khiếu, nhân tài (nhưng họ cũng chú trọng chế độ sử dụng, bồi đắp tương xứng).

Các hiệp hội khoa học, ngành nghề đã thể hiện rất rõ vai trò của họ trong việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài. Những lớp đặc biệt cho những học sinh đặc biệt, không cào bằng, không theo mô thức truyền thống, cứng nhắc đã khiến cho Dạy học phân hóa được diễn ra thực sự.

Trong cùng một lĩnh vực, mỗi em có khuynh hướng tư duy khác nhau. Có em rất nhanh phát hiện ra vấn đề, có em lại phân tích rất tốt, phản biện tốt. Có em phù hợp với thực nghiệm, có em lại phù hợp với học thuật, …Vì thế tài năng của các em cần được bồi dưỡng theo một cách khác nhau.

Việc chăm sóc, phát hiện, vun đắp không hề dễ dàng như đáp ứng một vài kì thi. Hơn nữa, ở lứa tuổi mới lớn, các em cần được mở mang nhận thức, khám phá thế giới bên ngoài một ngôi trường (dù cơ sở vật chất rất tốt).

Một tài năng muốn nở thì cần được vun đắp và tự vươn lên. Chúng ta đang thiếu một môi trường như thế bao gồm cả cách phát hiện, cách giáo dục và nội dung giáo dục.

Không ít phụ huynh hiện nay cho con học chuyên với mục đích để có cơ hội du học. Nếu thực sự các em là nhân tài, tôi tin là các em sẽ tạo ra những giá trị xứng đáng, đóng góp cho quốc gia, cho dân tộc, không nhất thiết phải làm việc trong nước, hay học trong nước, không lo “chảy máu chất xám”.
Nhưng là một phụ huynh, tôi không lựa chọn khi cho con học trường chuyên chỉ để đi du học. Vì nếu chỉ đi du học, tôi sẽ chọn cho con ở những ngôi trường chuyên tâm rèn luyện ngôn ngữ, kĩ năng, và những hiểu biết về ngành nghề mà con sẽ học.
Mặt khác, có một số trường chuyên, vì lí do nào đó đã không thực hiện tốt sứ mệnh phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài của mình nên đã khiến cho một bộ phận phụ huynh lại hiểu rằng: trường chuyên là cơ hội tốt cho con du học.
Theo Đời sống
back to top