Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Sau đó, thảo luận tại Đoàn về danh sách đề cử đề Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an được Trung ương thống nhất giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Ảnh: TP. |
Đại tướng Tô Lâm sinh năm 1957, quê ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, có trình độ giáo sư, tiến sĩ. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an; Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Đại biểu Quốc hội: Khóa XIV, XV.
Sự nghiệp của Đại tướng Tô Lâm gắn liền với ngành công an. Sau 5 năm học tại Đại học An ninh nhân dân, ông Tô Lâm trở thành cán bộ Cục Bảo vệ chính trị I, sau đó kinh qua nhiều chức vụ ở các đơn vị của Bộ Công an như Cán bộ Cục Bảo vệ Chính trị I; Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng, Phó Cục trưởng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị I; Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ Chính trị I; Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Ông được phong hàm thiếu tướng (4/2007) và được phong hàm trung tướng (7/2010).
Từ năm 2010, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an. Tại Đại hội XI của Đảng (năm 2011), ông Tô Lâm được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI. Ông Tô Lâm được thăng cấp bậc hàm thượng tướng vào tháng 9/2014.
Tại Đại hội XII của Đảng (năm 2016), ông Tô Lâm được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, rồi Bộ Chính trị khóa XII, sau đó được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Công an. Tháng 1/2019, ông Tô Lâm được phong quân hàm Đại tướng.
Tại Đại hội XIII, ông Tô Lâm tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị khóa XIII, tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Công an. Ông Tô Lâm là đại biểu Quốc hội khóa XV.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (tối đa 20 phút).